Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Ốc ơi là Ốc ơi!


Tôi có một tình yêu và "dây tơ duyên" kì lạ với ốc luộc. Cách đây mười lăm, mười sáu năm, hồi tôi còn bé tí teo buộc tóc hai ngoe ngắn củn. Bà Bình, già yếu ở góc chợ quê, gánh hai gánh ốc đến ngồi cạnh hàng của bà ngoại tôi. 

Bà ngoại tôi, con gái lớn một thầy đồ nổi tiếng ở huyện, lớn lên, lập gia đình, trở thành chủ một sạp hàng khô ở chợ. Ông tôi ngày còn trẻ đi lính ở chiến trường Điện Biên, sau này lấy bà thì ra ngoài chòi canh ở ven đê, trồng cây, nuôi cá. Những đứa trẻ như tôi, và anh D (anh trai lớn con bác họ), về quê là được ông bà dắt ra chợ chơi, đi ăn phở, chiều vào vườn ông vặt vải hoặc chơi với gà con, rồi tất cả về qua ngồi quanh bà Bình, ăn ốc! 


Hồi đó, mỗi bát ốc to chỉ có 500 đồng một bát, nên có bận mình tôi ăn hết tận 3000, khiến bà và mẹ mặt tái mét, sợ sẽ bội thực. Mặt tôi vẫn tỉnh bơ: “Con ăn hết có ba nghìn mà, rẻ hơn tiền phở năm nghìn ăn sáng”. Ngày đó con ốc to, thơm đậm, vỏ nhẵn, mắm ngon, nước ốc luộc thanh mát, cho thêm chút quất vào thì miễn chê!. Mắm bà Bình pha có một điều kì diệu nào đó khiến chúng tôi, có đứa uống ừng ực mà mặt vẫn toe toe. Bà pha mắm sẵn ở nhà, chỉ gồm nước mắm đường và chút tỏi giã. Còn gừng, sả, rau thơm, ớt tươi bà đều giã riêng, để riêng ra từng lọ. Cái gai khêu ốc từ hồi đấy đã là mảnh nhôm cắt vát hình tam giác, trước khi ăn đều được bà châm vào quả quất cho sạch sẽ.

Cái quang gánh bé xíu mà có nồi ốc to đùng, nóng ấm nguyên xi. Tôi, dù ăn sớm, hay muộn, đều có ốc ngon, nước ốc nóng hổi xì xà xì xụp cả. Sau rồi bà có thêm cả dưa chuột, củ đậu để ăn kèm với ốc. Bà Bình đã già nên không còn dùng quang gánh để mang nồi ốc nữa, bà có bàn ghế riêng, nhờ con cháu xếp dỡ hộ. Bà chuyển ốc sang cái thùng đựng đá bằng xốp, múc ốc bằng cái muôi to, có lỗ để không phải nghiêng nồi gạn nước như ngày xưa. Nhưng ốc vẫn có sả, vẫn lá chanh, vẫn có cái vị ngọt đầy đủ nguyên vẹn. Bát ốc từ năm trăm đồng giờ chuyển thành đĩa ốc mười ngàn đồng, và mỗi lần tăng giá, bà đều từ tốn nói trước khi tôi định sà xuống: “Này, hôm nay ốc lại tăng giá, bà tăng thêm một tí đấy, ăn vừa thôi kẻo không đủ tiền ngoại với mẹ cho”.


Ông tôi mất trước khi tôi tốt nghiệp cấp 3 đúng hai tuần. Làm lễ cúng 7 ngày cho ông xong, tôi đứng trước bàn thờ xin phép ông ăn ốc. Ra đến chỗ bà Bình, tự dưng bao nhiêu nước mắt để dành 7 ngày làm ma cho ông cứ thế mà trào ra không kìm nổi. Bà Bình chẳng nói gì, bảo ăn ít và ăn chậm thôi, kẻo nghẹn. Ôi cái đứa trẻ 17 tuổi, ngồi khóc giữa hàng ốc luộc ở chợ, được một bà già tuổi bảy mươi vỗ vai động viên, còn lấy cả nón lá rách để quạt mát, cái khung cảnh thật lạ lùng! 

Những lần về quê, ngoài ăn ốc, tôi cũng chú ý hơn đến giọng nói, đến sự gù lưng, và cái run tay của bà Bình. Giờ thì tôi gần như đã làm việc cố định ở tận Hà Nội, và bà Bình cũng không bán ốc luộc nữa. Cô Tâm, con gái bà, bán thay. Chai mắm không còn lắng vỏ tỏi thơm phía dưới, gừng giã rối tay hơn, may là ớt tươi vẫn còn, và cái gai khều ốc hình tam giác vẫn được cẩn thận ngâm vào cốc nước sạch, để chúng tôi mỗi lần bắt đầu ăn, xiên xiên vào quả quất cho sạch hơn…

Tất nhiên, những khi chúng tôi ăn ốc, bà ngoại tôi lại ngồi ở hàng bên, tủm tỉm cười rồi nói với những hàng bên cạnh: “Tôi cũng hay thèm cái thứ này, nhà tôi lẫn đám con gái tôi đều thế, giờ lại đến lũ trẻ con”.

Ở quê, gia đình tôi về cơ bản là hạnh phúc, ấm êm, thật ra cũng có bao dòng nước mắt chảy vào trong. (Nhà ai chẳng vậy thôi, nhỉ?). Ví như mẹ và bà không hợp nhau lắm. Rồi thì tôi và mẹ cũng vậy. Thế mà vẫn lộ ra một điểm chung nhất: Ôi Ốc ơi là Ốc ơi!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét