Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

"lòng vắng muôn bề, không liếp che, gió về

đấy là cái lối “thăng tiến cảm xúc” của một kẻ vốn sến sẩm gặp một cơn mưa ngâu chỉ đủ ướt vai áo mà đã thấy rách rưới tan hoang..

Chẳng phải vì cô đơn hay làm sao cả, ngược lại, ngồn ngộn công việc, tới tấp thứ giấy tờ phải lo. Thế mà vẫn thấy “vắng”, bởi vì cũng có thể nhiều lúc trong cuộc đời, người ta rơi vào điểm chững, trên một mặt phẳng có độ lì cơ bản, và thấy xung quanh không gian chỉ toàn tiếng “e…..”, tiếp đó, không còn sự thanh thản khi ngồi nhắm mắt nghe nhạc nữa, không tìm thấy sự “rùng mình” nhẹ trong những câu thơ kiều diễm về đôi lứa, hay có hứng thú với cái gì cụ thể.

Tôi nghĩ là tôi nghèo tiền lắm, nhưng cuộc sống lại không phải của một kẻ khổ ải. Mà sao, ở ngoài kia, những người bạn, đã từng là bạn, có thể sẽ làm bạn, hoặc chả bao giờ tôi với chúng là bạn…lại có vẻ nghèo túng hơn mình quá, và cái hình ảnh “rách rưới” trong câu hát kia nó phù hợp với họ hơn cả tôi.





Đêm hôm qua, tôi với “hắn” đi chợ Quảng Bá, gom cả 2 đứa mới được ba-mươi-tám-nghìn-đồng và “dẻo mỏ” lắm (ngoài khả năng của cả 2 đứa) mới mua được một bó hoa phăng. 12h đêm. Nhưng bọn tôi đèo nhau về, cố tình đi qua Yên Phụ, qua Cửa Bắc, qua Phan Đình Phùng, qua Lý Nam Đế… vì cái đường loanh quanh đó về đêm thật là đẹp. Mà, bọn tôi vui cơ. Tôi chắc chắn vậy vì tôi thấy thích mấy bông phăng còi hơn bó hoa ly ngào ngạt hương thơm mà anh giai Ét Hát mua cho cô bạn gái đi cùng đang mải chu mỏ chụp ảnh để chuẩn bị check-in; tôi càng chắc chắn vậy vì trong cùng một đêm mà tôi thấy cảnh đó 3 lần rồi: 3 anh giai – 3 cô nàng – 3 chiếc SH – 3 bó ly – 3 cái chu mỏ i sì, hết.

Chẳng phải để bao biện gì, “hắn” nói tôi câu này, cũng phải: “Nghèo tinh thần mới là nghèo nhất”.


Cuộc sống bây giờ (hay từ bao giờ cũng chả rõ) gần như không có gì khó phỏng đoán: trai đôi mươi kiếm tiền lấy vợ, gái đôi mươi được giá gả chồng; tốt thì cùng làm một công việc nhà nước, “rồi từ đó sống với nhau hạnh phúc cả đời” (hình như thế), tệ thì một thời gian nem chả lẫn lộn, rồi vung đũa đụng bát, rồi ra tòa. Mọi trò quỷ (đàn hát, phượt phủng, cà phê cà pháo…) thay bằng trò hề. Chẳng còn biết đến bạn bè, chẳng còn cần bạn bè, chẳng-còn-bạn-bè.


Năm ngoái, một bạn, quen xã hội thôi, sinh năm 90 được tuổi lấy chồng, đến gửi lời mời cưới:
- Nhanh nhỉ? Tao tưởng mày thích tự do lắm cơ mà? Bác sĩ bảo cưới à? *đùa*
- Không. Mẹ tao bảo là con gái 24 là đẹp, với cả, nhà anh M cũng có điều kiện tốt, để lâu làm gì.
- Không làm gì à, bắt chồng cho con bú à?
- Chả quan trọng, nhà chồng giàu mà. Ổn định là chính, tính sau.
Năm nay bế con về mẹ đẻ, tiền nuôi con từ gian khách cho người ta thuê làm cắt gội, hễ mở miệng là chửi đàn ông.


Ấy là một trường hợp trong vô vàn trường hợp tương tự. Tôi chưa gặp cô em nào khi hỏi “sao cưới?” mà dám nói ” vì em yêu và mong có con với anh ấy”, cũng như chả thấy anh giai nào dám trả lời “vì muốn cưới, tự cảm thấy cần phải cưới”.


Chưa hết đâu, nhưng một chuyện ví dụ thế thôi.


Thành thực tôi nghĩ, mọi sự lựa chọn sống đó chẳng có gì đáng trách, thậm chí hơi đáng thương, bởi vì trường lớp đem đến cho người ta suốt một thời tuổi trẻ tư duy dập khuôn, tinh thần đối phó và trạng thái “trả bài” rất thường trực. Đi học phải trả điểm thầy cô để lên lớp. Trưởng thành trả nợ bố mẹ bằng việc kiếm lấy một chàng rể/nàng dâu. Rồi sau đó trả nợ miệng đời bằng nuôi con theo những gì xã hội nghĩ… Cứ thế.


Suốt sáng nay, cho đến trước khi viết những dòng này, đột nhiên (hoàn toàn đột nhiên) tôi không bình tĩnh được, không tập trung được, không thả lỏng được. Xung quanh chỉ có tiếng “e…”, chẳng cảm xúc gì. Tôi thấy một bài hát không hay, một lời thơ không cảm động, và lòng toang hoác như ô cửa gió mùa về.


Có như vậy tôi lại hiểu, hóa ra vốn bình thường mình đâu có nghèo; rồi cả đến khi bị đơ, mấy ai mà lại còn sức để dỗi hơi được thế này, há?


***


À, có một chuyện ngoài lề nữa, chuyện Huyền Chíp ấy mà, với những bạn nào đã lựa chọn lối sống trải nghiệm, tôi nghĩ các bạn nên hiểu rằng “xốc tinh thần lên và đi”, thế thôi.