Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Chuyện về 'cây nến đầu tiên' của tôi!


Càng gần ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi lại thấy có biết bao nỗi LO TOAN hiển hiện rõ trên gương mặt của những vị phụ huynh. Bà mẹ vội vã mua bó hoa tươi, tất tả sắm món quà cho giáo viên của con, ông bố luống cuống sắp xếp ca làm để xin về sớm đưa con sang cô thầy. Tôi chạnh lòng muốn kể lại câu chuyện cũ.

Năm tôi học cấp 2, tuy gia đình không khá giả gì nhưng bố mẹ luôn nhất quyết muốn tôi trau dồi thêm các môn Tự nhiên vì ý định hướng tôi thi Đại học khối A, mà tôi thì chẳng khá nổi bật môn nào trong số mấy môn Toán Lý Hóa; bố mẹ "sẵn sàng" chi viện miễn sao học hành bằng bạn bằng bè. 

Tôi theo bạn đến học thử một lớp Toán cách nhà chừng 2 cây số - lớp thầy Bình. Thầy là người gốc Huế, ngoài 50 tuổi, giáo viên "không biên chế"; cuộc đời là một chuỗi những biến cố để bám trụ với cuộc sống và nghề-bán-chữ, từ sinh viên xuất sắc trường chuyên của Sài gòn, vào đại học, đi thanh niên xung phong, hết nghĩa vụ trở về dạy, chuyển công tác và tha hương ra Bắc lập gia đình, trường giải thể phải xoay sở làm công nhân mất mấy năm mới xây được căn nhà, mở lại lớp. Đường tới thầy Bình phải đi lòng vòng và băng qua ray tàu hỏa. "Phòng học" là cái sân rộng chừng 15m2 ngay trước gian nhà con con, thầy xây tường lửng cao nửa mét bao xung quanh, 4 trụ và lợp mái những tấm fibro xi măng. Ngoài mảnh sân ấy là vườn cây trúc trĩu quả, nào khế nào na nào cam quýt. Rìa chân tường bao quanh "lớp học", thầy còn trồng từng khóm tóc tiên thành những đường cong nhịp nhịp như cầu Trường Tiền. Tôi thích lớp học đó ngay, và không chần chừ khi thầy hỏi "Học lớp thầy có sợ các cô trên trường không hài lòng chứ?" bằng giọng quả quyết "Em không!".


Đó là cái lớp học kì quặc mà tôi từng trải qua. Bàn ghế gỗ sơ sài dăm bảy bộ thầy tự bào tự đóng. Cái bảng chính là một bức tường láng xi quét sơn đen thầy tự làm. Ngay cả chiếc compa có chân cắm vào bảng mỗi khi vẽ vòng tròn thầy cũng tự chế luôn. Ở lớp học đó, không có một luật lệ hay nguyên tắc nào quá khắt khe về tư thế và kính ngữ. Sau mỗi bài tập, đứa nào làm xong cứ điềm nhiên lên bảng viết cách giải của mình, hoặc có ý kiến có thể ngồi yên, giơ tay ra hiệu phát biểu và truyền đạt lý lẽ với đủ các phong thái biểu cảm. Sẽ luôn luôn có phần thưởng của thầy cho mỗi lần "xung phong" như thế: khi là chùm nhãn, lúc cái bánh chưng. Ở lớp học đó, giờ giải lao, thầy để sẵn vài viên phấn màu; chúng tôi lên bảng vẽ vời, kẻ ô chơi cờ caro, thậm chí cùng thầy thi làm thơ. Có hôm, chúng tôi leo lên cây hái khế trong lúc đợi thầy ăn vội bát cơm trưa muộn màng trước tiết học. Ở lớp học đó, thầy kể cho chúng tôi những buổi sinh hoạt Đoàn của sinh viên Sài Gòn nam thanh nữ tú cùng nhảy điệu "cha cha cha"; rồi thầy kể tháng ngày trong quân ngũ, những rừng cây con suối bản làng bộ đội đóng quân, "khoe" với chúng tôi cả tập thơ tình của thời trai trẻ bằng đầy nỗi xúc động, tất cả viết tay. Thầy dạy Toán của tôi đặc biệt viết chữ rất đẹp, yêu nhạc Trịnh và thương nhớ Huế nặng sâu, da diết.

Ở lớp học đó, tôi có cho mình nhiều hơn cả những lời giải của phương trình vài ẩn số.

Hai mươi tháng mười một năm hai ngàn lẻ bảy, đó là ngày tôi lựa được trên cây ớt nhà mình một trái đỏ tươi, tôi cho là đẹp nhất - giống ớt có vị cay nồng mà thầy tôi cực thích - tôi bỏ vào một chiếc hộp nhỏ tí và hăm hở đạp xe 2 cây số; sau khi lục khắp túi áo quần chỉ còn 5000đ đủ để mua một cây viết nhũ, ít giấy màu để làm một chiếc thiệp. Thầy tôi hôm đó ốm, nhưng ông vui vẻ đón nhận món quà nhân ngày Nhà giáo của tôi, kẹp chiếc thiệp của tôi trong cuốn lưu bút, đoạn, lấy dao tách quả và gieo hạt ớt cẩn trọng trong mảnh đất vườn. Một ngày sau bao nhiêu ngày sau đó tôi không nhớ rõ, thầy gọi cả đám học trò ở lại ăn cơm cùng, trong mâm có những quả ớt chín đầu tiên hái trên cái cây nảy từ trái ớt tôi tặng. 

Có thể chủ định của thầy không phải dạy dỗ gì tôi, nhưng sau này ngẫm lại, tôi coi từng hành động của thầy như một cách ẩn dụ nào đấy, và tự hiểu rằng mình đã nhận được bài học về sự cho-nhận, san sẻ tình thầy trò đầy bình dị và thương mến. 


Rồi lại đến sau này nữa, tôi nhủ rằng, dù cuộc sống đã gấp gáp lên rất nhiều lần so với cái ngày tôi hồn nhiên dâng tặng thầy tôi trái ớt đỏ, nhưng không có nghĩa "tôn sư trọng đạo" đã đổi thay, bởi vì đó là chữ "nghĩa" đời nào cũng trọng; và hành vi của trẻ nhỏ là phản ảnh thái độ, hành xử từ người lớn. Ngày đầu tiên Thanh Tịnh đi học, cái sự biến chuyển lớn tự trong lòng khiến chung quanh thân quen trở lên thay đổi, đó là cảm nhận vô cùng tinh tế. Sự biến chuyển từ ngày đầu tiên tôi bước chân vào lớp thầy Bình chính ở sự chăm chút đầy nhân ái tới từng khóm hoa mầm lá, tới từng món đồ vật trong không gian học đường riêng tây của đời mình. Thậm chí thầy làm tôi tin từ mảnh vườn tóc tiên mộng mơ ấy, thầy sẽ nuôi giùm chúng tôi mỗi đứa một ngọn lửa đỏ của tình yêu đại đồng - điều cơ bản để bay đi mạnh khỏe và sống hiền hòa với thế giới.


Nhắc về ngọn lửa, tôi cũng có nghe lâu rồi một hình ảnh ví von đẹp lắm, rằng "người ta không quẹt diêm 10 lần để châm mười cây nến, mà sẽ lấy ngọn lửa từ cây đầu tiên để thắp sáng 9 cây kia. Cái cây nến đầu tiên chính như người thầy trên cuộc đời tỏa sáng của bao cây nến khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét