Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Nhớ tiếng reng reng


Cái gì cũng chỉ có một thời. Tôi cho rằng câu đó tuyệt đối đúng nếu "cái" thực sự chỉ là cái, nghĩa là thứ hiện hữu bằng hình thù rõ ràng; và vẫn đúng với một lượng lớn các nhân tố bóng bẩy hoặc vô hình khác, như là cảm giác, suy nghĩ, khái niệm...

Tôi sống từ nhỏ ở một thị trấn lam lũ của vùng than. Bố mẹ tôi lắp chiếc điện thoại gia đình đầu tiên năm hai-không-không-bốn; khi đó Hà Nội đã tràn ngập những chiếc cellphone nắp trượt cho nam doanh nhân hay nắp mở cho các bà các cô thích làm điệu; còn trên thế giới, Motorola đã đánh dấu cho sự ra đời của điện thoại di động từ những năm 1973 . Tôi không biết điều đó, vì chúng tôi ở quá xa thủ đô, cả trên phương diện này hay khác, và vì với niềm ao ước được sờ vào một chiếc điện thoại từ lâu của một đứa nhà nghèo, tôi còn đang mải sung sướng rằng từ giờ tôi có thể nhấc máy lên mà trò chuyện với bạn bè tíu tít, như trong những bộ phim truyền hình thường được xem.


Tôi hoan hỉ về chiếc điện thoại bàn như thể chào đón một thành viên mới dễ thương của gia đình. Tôi tự tay làm một cuốn danh bạ riêng và chạy khắp nơi để ghi chép số gia đình của các bạn trong lớp, dù có những đứa chắc thêm vài chục năm nữa cũng chẳng biết có nói với nhau được lần nào hay không. Cuốn danh bạ lúc nào cũng nằm trong cặp sách rồi, tôi còn thích ghi nhớ những con số ấy trong đầu, để khi cần tôi sẽ nhấc ống nghe lên mà bấm một mạch như thể tôi có bộ não sinh ra để dành cho những con số.


Tôi nhớ như in cú điện thoại, chắc là vỏn vẹn có 1 phút, của cậu bạn học chung lớp 10. Lâm, cậu ấy, gọi tôi, sau 8 tháng kể từ ngày chúng tôi biết nhau tên gì (mà chưa biết ở đâu), để mời tôi tới buổi tiệc chia tay cậu ấy đi du học Mỹ. Tôi tuy đã không thể tới để chào tạm biệt, nhưng có gì đó vui vui khi sau này biết rằng, nếu tôi tới, tôi sẽ là đứa-con-gái-lạ-mặt-duy-nhất được mời giữa toàn bạn thân của Lâm trong party đó. Chẳng biết có phải vì nỗi vui vui giản dị và chẳng liên quan lắm ấy không, mà bỗng nhiên từ đó tôi thấy hồi hộp mỗi lần nghe chuông "reng reng" đổ, tôi thích làm người chào câu tạm biệt và thích cả tiếng "khục" khi đầu dây bên kia cúp máy.


Thế nhưng chỉ nửa năm sau khi Lâm đi, những chiếc di động cũng đã tới được thị trấn tôi. Chúng nhỏ nhắn, nằm "run rẩy" vụng trộm trong túi áo túi quần của các cô cậu học trò trong mỗi giờ lên lớp. Lũ chúng tôi cuối cấp, đi học thêm tối ngày để chuẩn bị cho tốt nghiệp và thi Đại học. Cellphone có ngay "đất dụng võ": để gọi cho người thân đến đón khi tan lớp học khuya, để nhắn tin xin phép thầy cô nghỉ giờ thêm Văn vì trùng giờ thêm Hóa, để chụp những bức hình nhí nhắng của mùa phượng cuối cùng giữa những tiết ra chơi. Nói chung, chúng tôi, lại thay vì chép tay số điện thoại bàn, thì xin nhau số di động để lưu vào máy. Điện thoại bàn biến mất một cách lặng thầm cho đến mãi đến một năm nào ấy sau đó, tôi học Đại học ở Hà Nội và được về thăm gia đình dịp nghỉ lễ, tôi bất chợt nhận ra vắng bóng điện thoại bàn, biết bố mẹ đã cắt dịch vụ từ lâu, tôi bỡ ngỡ đến thảng thốt.


Mới hôm nọ cô bạn thân gọi điện mắng xối xả, hỏi đi đâu mà không bắt máy, tôi nói tôi đi chơi và để quên di động ở nhà. Nó lại mắng vậy tại sao không gọi nhờ, tôi trả lời vì tôi không nhớ số. Ừ lại thế nữa, bây giờ tôi thậm chí còn chẳng kịp nhìn những con số trong danh bạ chứ nói gì đến nhớ. Dãy số duy nhất tôi còn nhớ là số điện thoại bàn nhà cô bạn tôi, thì bố mẹ nó cũng đã ngừng sử dụng từ bao giờ. 


Điện thoại di động chẳng có tội tình gì, nhưng tôi cứ cảm giác như mình mắc lỗi lầm gì đó trong sự im tiếng ngậm ngùi của chiếc điện thoại bàn. Tôi biết cuộc sống cứ chảy trôi mãi nên có điều gì còn ở lại dài lâu chắc hẳn phải sắt đá lắm. Chiếc điện thoại bàn rõ ràng là không rồi. Nhưng những niềm vui một thời tôi tưởng chừng khó phai mờ biết bao thì lại nhạt màu nhanh với sự thản nhiên vô tình đến thế. Nhiều những thứ dần đi vào quá vãng trong cuộc sống công nghệ ngày thêm ồ ạt, nhưng sự ra đi của những chiếc điện thoại bàn quả thực khiến tôi nhớ, quả thực làm tôi giật mình mỗi lần bất chợt nghe thấy tiếng *reng reng* vọng ra từ căn nhà nào đó, bởi nó vốn đã từng là điều rất ồn ào lại đầy tò mò, như người bạn chạy tới cười khúc khích rồi báo một tin vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét