Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Outside the wall

Hôm nay tôi vẫn ngồi nghe Pink Floyd. (Càng ngày càng thích nhạc cái band “của nợ” này mới chết chứ, nghe từ sáng tới tối, từ đêm đến sáng). Hôm nay tôi mở The Wall, để khóc rưng rức khi mấy gã mũi nõ nghiện ngập hút chích thích chơi đàn chửi xã hội 1979, thấy nó đúng đến tận giờ.

Hôm nay tôi cũng đọc được trên VNE bài tổng hợp 10 bức ảnh ghi lại các khoảnh khắc ẤN TƯỢNG NHẤT năm 2014. Không biết tác giả Anh Ngọc có cố ý hay không, mà chỉ bức đầu tiên có nụ cười của những ngôi sao Hollywood, còn 9 tấm ảnh sau thì đầy rẫy nước mắt và phẫn nộ: chiến tranh, biểu tình, xung đột sắc tộc, tị nạn, biến đổi khí hậu, chết đói, bệnh tật, máy bay rơi… , để lại ấn tượng về một năm chỉ ít ngày nữa là qua đi – khoảng không rộng ngoác những đứt vỡ, suy đồi và đau thương.

Hôm nay tôi cũng lại biết nhiều người đang xa lánh mình hơn vì những ngày qua tôi post bài viết bày tỏ quan điểm còi cọc về Bọ Lập, họ cảm thấy tôi có vẻ thích dính vào chính trị chính em, phiền phức và thiếu đại chúng.

Ôi kì quặc sao, tất cả diễn ra cùng một ngày, để bây giờ có một mối ám ảnh đè trong đầu trong cổ họng trong tim. Thế ra, ở nơi này, mối quan tâm chính trị, sự phản ánh thực tế, ý muốn đòi hỏi hòa bình nó lại hiếm hoi đến mức bị biến tướng thành thứ dị hợm lạc loài như vậy.

***

Ngày tưởng niệm cái chết bàng hoàng của John Lennon đã qua đi được 3 hôm rồi. Trong buổi sáng mùng 8, tôi thấy bạn bè năm châu bật nhạc của ông, họ hát Imagine xúc động vì thiết tha mưu cầu hòa bình. Còn tôi đang ở Việt Nam – đất nước có chỉ số sung sướng hạnh phúc gần cao nhất thế giới, tôi chỉ thấy John được nhắc đến trên báo chí, chỉ được nghe các band tribute ca khúc The Beatles trong một vài quán bar nhỏ, và khi đạp chiếc xe của anh Tú dạo quanh phố sá vẫn chỉ thấy cuộc sống nhập nhòe đèn màu, đổ nát gạo tiền áo cơm.



Cùng khoảng thời gian đó, phiến quân IS tiếp tục tàn sát khắp nơi, thêm một vụ nổ súng của cảnh sát Mỹ vào người dân da màu, cổ động viên Malaysia đánh người Việt Nam toác đầu mẻ trán, vân vân. Những lằn ranh ngăn cách sắc tộc, màu da, đất nước cứ thế hoắm sâu hơn, nỗi chết thản nhiên tìm đến.

Thế mà tôi, khi viết về bác Lập với tất cả sự bàng hoàng xa xót, cũng như mấy đêm rồi cho tới sáng nay đây tôi khóc vì nghe Pink Floyd, tôi muốn vươn cái đầu mình “Outside The Wall” để tới gần với CON NGƯỜI BẢN NGUYÊN hơn bao giờ hết; không ngờ lại bị đẩy ra xa.

***

Tôi không rõ sau này với số tiền kiếm được hôm nay người ta có đủ để mua lại một phút hòa bình và công bằng cho mình cho người thân không. Tôi thì chắc chắn là không rồi. Ngay ở hiện tại đã nghèo quá. Cho nên tôi cứ nghĩ, phải dành giật cho riêng mình một chút ít nào đó chứ, kể cả là trong tâm tư thôi, thứ tình yêu hiển nhiên với đại đồng.



Có một bộ phim tôi vô cùng vô cùng yêu thích: Forrest Gump. Tôi đã xem nó nhiều lần đến mức thành một thói quen. Khi vui, xem để khóc trước những ngang trái trong đời anh chàng nhân vật chính vì ngớ ngẩn đã chẳng hề tính toán, đắn đo. Khi buồn, lại xem để được “sống giả” trong nỗi tưởng tượng về cuộc sống hippie tại miền Alabama. Trôi cùng thứ nhạc nền RnR tửng tửng, tôi giả tưởng về cuộc sống của người phản chiến và tự do, những đêm thâu đàn hát đốt lửa làm tình với bạn trai trong căn lều vải, những tháng năm rong ruổi giữa ráng chiều lại tới bình minh trên chiếc Volkswagen Kombi. Bộ phim lấy đi của tôi nước mắt và trả lại viễn mơ đủ để tôi cố gắng thêm.

***

Bây giờ, tôi thực sự ước gì tôi là đứa đừng nghĩ luẩn quẩn nhiều bởi những lời của người xung quanh. Ngày xưa chắc Yoko cũng thế.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Xúm "shit"


Không phải tôi bịa ra cái từ kia đâu, nó có từ cái thời mà chuyện ngụ ngôn bây giờ chính là những chuyện hàng ngày ở huyện cơ. Đại khái, [xúm “shit”] có nghĩa là bâu xâu, là chầu chực, là hóng hớt, là bu (khác với “xúm xít” đôi khi còn được mang sắc thái dễ thương hơn). Nhưng dù nghĩa là gì đi nữa thì đều khởi sự từ tò mò, giống như thuở hồng hoang của đống shit trâu úp dưới cái giá mà lão quan chức nào đấy đã vồ phải cùng với nỗi hí hửng tưởng là sắp có được bát cháo chim béo ngậy vào mồm.

Nói chê trách thì cũng phải thôi. [Xúm “shit”] tính đến thời điểm hiện tại, có thể dễ dàng gặp ở khắp nơi mà chưa thấy mang lại lợi ích gì. Những tín đồ của [xúm “shit”] thường gặp nhau trong những “event đường phố”, tập hợp thành một dạng hình học không xác định có đặc điểm chung là khép kín. Quanh một thằng làm trò hề kiếm tiền qua ngày đoạn tháng, quanh một người đàn bà kêu oan vì con bị án tử tù, quanh một vụ tai nạn giao thông, quanh một đám cháy nghi ngút, quanh một cuộc rượt đuổi bắn giết nhau toán toạn, quanh cả một cái hòm mà ai cũng nghi là bom. Đương nhiên là không phải trường hợp xúm nào cũng “shit”, nhưng đa phần. Mỗi lúc nhóm người này “xếp hình tập thể” là y như rằng chẳng coi giao thông ra cái mẹ gì. Cái thằng hề kia hát mỏi mồm chả được thêm xu nào, bà già tố khổ vẫn đứng chỏng queo với tấm bìa treo trước ngực, người bị nạn tiếp tục nằm hấp hối trên đường 2h đồng hồ sau, tên côn đồ và toán cảnh sát bỗng dưng lại được chơi mèo đuổi chuột quanh cái vòng người như thời trẻ trâu con nít; còn cái gì trong cái hòm á, có mà giời biết, nhưng nếu là bom thật thì nổ phát biết ngay.



Thế song nói không nên chê trách cũng lại phải thôi. Tò mò đâu là cái tội, ai chả muốn nắm bắt thông tin, ai chả có nhu cầu và quyền biết sự thật. Từ thời xưa xửa xừa xưa, may nhờ [xúm “shit”] mà tập trung được lực lượng đông đảo vừa đóng vai trò dư luận vừa nắm trọng trách vũ trang, nhiều vụ oan ức được giãi bày, nhiều xích mích vợ chồng được giải quyết, nhiều người suýt chết được cứu và nhiều người đang sống thì nằm yên. Đáng ra xã hội đã Phây Búc hóa được 5 năm nay rồi, thông tin điện tử báo điện tử thì nhiều tuổi hơn thế, người ta có thể cập nhật bất cứ tin tức gì nhanh như tên bắn kìa. Nhưng mà trong bụng người nào cũng đầy trăn trở: “tin thế đéo”. Lý do cho niềm tin còi cọc nham nhở này là hình hài thất bại của cơ quan tiếp nhận xử lý vụ việc, cơ quan truyền thông. Thói đời, ở đâu càng thiếu minh bạch thì ở đó lại lắm kẻ ngó nghiêng. (Ai dám mạnh dạn trả lời tiếp “tại làm sao người dân Việt Nam mở mắt ra đã dính trọng bệnh tò mò?” nào?).

Giải pháp á? No no no no no. Để chấm dứt một cái xấu, cần can trường như đánh giặc ấy, phải từng bước chỉnh đốn đối tượng này rồi lại chỉnh lý đối tượng khác, nói chung đây là trách nhiệm của toàn Đảng toàn quân toàn dân ta. Trong khi đó có phải chỗ nào cứ muốn chỉnh là chỉnh được đâu, chỉnh rồi còn lâu chuẩn. Riêng trong khoảng thời gian ngắn, tôi xin hiến một mưu hèn kế mọn: Các đơn vị chức năng chuẩn bị sẵn tại văn phòng (nếu có rồi thì tốt quá) vài thùng shit tươi, đóng gói kín đáo, dán dòng chữ “Đây là bom”, hàng đêm bí mật thả ra giữa đường cho bà con làm quen dần. Biết đâu tình hình cải thiện hơn.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Vương miện ơi, nặng lắm!



Những ngày gần đây, đi đâu cũng thấy eo sèo chuyện tân hoa hậu. Người người bàn ra tán vào. Nhưng vì chiếc vương miện đã trao không dễ gì lung lay trong khi ai cũng chỉ là người ngoài nhìn vào mà hứng ngôn phát biểu, nên thôi ta thử đứng dịch sát vào trong, ngắm nghía cho thật cẩn thận để bàn về sức nặng của nó xem sao.

Từ sức nặng của một vật thể đặt trên đầu

Chuyện về chiếc vương miện trong các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam thì có cả một lịch sử hơi dài, qua những lần "thay da đổi thịt" đáng kể. Nổi bật nhất là 2 dấu mốc 1988 và 2008. Năm 1988, mùa đầu tiên của Hoa hậu Việt Nam báo Tiền phong, Ban tổ chức đã phải vất vả đi tìm mua lại một chiếc vương miện kỉ niệm của Việt kiều Pháp để trao cho Bùi Bích Phương vì không một nơi nào ở Hà Nội nhận chế tác. Lần đó, ông Dương Xuân Nam nâng vương miện đặt lên đầu của Phương, quá hồi hộp xúc động mà đã làm rơi (may thay khán giả không kịp thấy do nó khá nhẹ nên mắc lại trên áo của Hoa hậu).



Bùi Bích Phương (Hoa hậu Việt Nam năm 1988)

Trong vòng 20 năm đặc biệt là những năm đầu 2000, thực trạng loạn thi hoa hậu, khắp nơi tổ chức nên vương miện bày bán rất nhiều trên Hàng Bạc, đủ kiểu dáng. Đến năm 2008, bước ngoặt kỉ lục đánh dấu cho sức nặng không ngờ của vương miện, đó là khi công ty SJC nhận tài trợ chế tác vương miện 6 lượng vàng, chưa kể đá quý. Họ còn làm thêm một phiên bản phụ bằng bạc, cả hai được bảo vệ cẩn thận trong két sắt ngân hàng, được hộ tống đến sân khấu cuộc thi. Cái tên được xướng lên năm ấy là Thùy Dung. Lịch sử lặp lại, ông Nam tiếp tục làm rơi vương miện, nhưng lần này thì thực tình là do...nặng quá!



Thùy Dung (Hoa hậu Việt Nam năm 2008)

Đến sức nặng vô hình của trách nhiệm gánh trên vai


Theo quy luật cho một xã hội bình quyền và công bằng thì mỗi cô gái đều cần được tôn vinh, nhưng chúng ta vẫn háo hức muốn biết ai là người xuất sắc hơn cả. Đó không phải là thói quen bản năng của loài thú tìm kiếm danh hiệu đầu đàn, ở xã hội cấp tiến và định hướng văn minh, ngôi vị cao nhất không có ý nghĩa phân bậc thứ hạng, mà tồn tại như một biểu tượng có tính "tổng kết và hứa hẹn". Thế cho nên Hoa hậu Việt Nam, đó sẽ phải là cô gái mang nhan sắc của hồn Việt, kết tinh văn hóa truyền thống của Việt, và có tiềm năng trở thành đại sứ của sắc đẹp nước nhà trước "cường quốc năm châu" khác.



Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Hoa hậu Việt Nam năm 2014)

Khi đội lên đầu chiếc vương miện 6 lượng vàng cùng chiếc cúp danh giá trong tay, đó cũng là lúc vô hình trên đôi vai mỗi Hoa hậu xuất hiện một gánh nặng trách nhiệm. Họ phải đối mặt với một cuộc sống trách nhiệm hơn để bảo vệ những gì thuộc về mình trước vô vàn ánh mắt soi mói dư luận xung quanh. Họ phải trách nhiệm hơn với gia đình để không một hành động, lời nói, dáng đi nào khiến cho sự nổi tiếng trở nên tai tiếng. Họ phải thể hiện trách nhiệm với xã hội trong nước, rồi lại phải thực hiện trách nhiệm trước nền hòa bình thế giới.

Các cô gái tham gia thi tuyển nằm trong độ tuổi 18 - 22, rất trẻ và xuân sắc. Nhưng đây là tuổi đời chưa đủ để sẵn chứa tất cả các đòi hỏi cho một hình mẫu. Trước mỗi kì Hoa hậu, ai là người chỉ cho họ thế nào là hồn Việt, ai nói với họ văn hóa truyền thống có thể tìm thấy ở đâu, ai tin họ sẽ là một đại sứ hãnh tiến của đất nước? Tất cả chỉ có thể do tự mỗi cô gái trau dồi và cảm nhận bản thân phù hợp cho cuộc thi, sẵn sàng đón nhận mọi vinh quang hay khó khăn sẽ tới. Vì vậy khi họ đăng quang lại đồng thời nhận lấy gần 90 triệu sự kì vọng, vô vàn áp lực dồn dập đến, đáng ra nên được chúc mừng và cổ động chứ?

Và với Duyên

Nhắc về Nguyễn Cao Kỳ Duyên, điều mà "người ngoài" dễ thấy, dễ bị thu hút (hoặc bị làm cho chú ý) là một cô gái có cái tên đặc biệt, trong đêm chung kết gương mặt đã bị make-up hơi "dừ" so với năm sinh, Duyên mặc chiếc váy dạ hội khiến tất cả đặt dấu hỏi chấm. Cộng thêm những đánh giá thiếu thiện cảm khác của cá nhân về khâu tổ chức và thực hiện chương trình, mà thành ra có ác cảm với kết quả của em. Ít người hoặc chẳng ai trong số đông quan tâm em đã đạt được những thành tựu gì bằng sự nỗ lực nội tại. Với tôi, đơn giản như việc em tập luyện một cách khoa học để có thể giảm đến 10 kg và lấy về vóc dáng thon gọn, các chỉ số nhân trắc học đẹp mắt, nói thẳng ra so với những người tôi vẫn thấy mỗi ngày đã là một sự vượt trội đáng ghi nhận. Chưa kể đến kiến thức, kĩ năng và hoạt động xuất sắc em đã trải qua, đã lĩnh hội.



Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Hoa hậu Việt Nam năm 2014)

Như ý kiến của tôi nói ra lúc đầu, cách công bằng nhất để không có những dèm pha là hãy tôn vinh tất thảy phụ nữ bởi mỗi người một bản thể đẹp đẽ riêng, nhưng chính những người phụ nữ bằng khao khát hoàn mỹ bản thân mà đã tự hình thành một nhu cầu chuẩn mực cái đẹp, từ đó tạo nên Hoa hậu (đàn ông thì đương nhiên là ủng hộ rồi). Vì thế, trong thể thao lắm khi có hòa, 2 huy chương vàng trên cùng một bục, còn cuộc thi sắc đẹp chỉ có một vương miện và nhất định phải trao. Sự tăng lên về sức nặng vật lý của vương miện qua mỗi thời kì đã là một ẩn ý hết sức tinh tế về sức nặng của niềm vinh dự. Đặt lên đầu ai, chỉ họ cảm nhận rõ nhất. Nếu phải có điều gì khiến chúng ta nên làm vào thời điểm "hậu hoa hậu" này, thì đó là chờ đợi Nguyễn Cao Kỳ Duyên dùng năng lượng và trí tuệ của mình để khẳng định vị trí chính xác cho cái tên dễ nhầm lẫn, chứ không phải gây lên làn sóng "đao búa" về cô gái 18 tuổi vừa ghi danh Hoa hậu Việt Nam.

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

[Depplus.vn] - Phụ nữ có thể nào chỉ là con chim bách thanh trong lồng ấm?


Chim bách thanh là giống loài có thể sống hòa hợp với môi trường hết sức nhuần nhuyễn, thậm chí có vẻ như đánh mất cả bản sắc thân mình. Ít ai nghe thấy tiếng hót thật - chất giọng "nature" của nó - nếu nó đang đứng nhảy nhót trong chiếc lồng tre. Một cách tình cờ nào đấy, có phải phụ nữ quá giống con chim bách thanh?

Bấy lâu nay xã hội đã quen đặt ra hình ảnh người phụ nữ hạnh phúc, thành công là người biết chọn sống cuộc sống êm đềm, biết "ca hót" yêu đời trong chiếc lồng xinh xinh đan sẵn: một công việc với thu nhập khá và ổn định, một nhan sắc khá và ổn định, một người chồng...khá và ổn định. Nhưng cũng có (ngày càng nhiều) cô gái nhận thức rõ tiềm năng trong bản thân mình mà sẵn sàng "đập cánh" thoát khỏi lối mòn để hót tiếng hát riêng biệt, duy nhất.

Mai, 27 tuổi, là một ca sỹ nghiệp dư trong dòng nhạc rock (giới chuyên môn gọi vị trí này là vocal). Khuôn mặt gai góc và giọng nói từng trải hơn nhiều so với dáng vóc nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Trong cuộc phỏng vấn với tôi, chị chia sẻ sau khi tôi ngạc nhiên biết chị tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, vốn ngoại ngữ rất khá, chấp nhận rời bỏ công việc văn phòng 8 tiếng để theo đuổi nghiệp ca hát tại bar: "Con đường bình yên kia tuy ổn mà không ổn, bởi thực tâm mình không hài lòng, tâm hồn mình cứ hướng đến một luồng sáng khác. Tất nhiên khi quyết định bỏ nửa chừng, cũng có những vấn đề xảy đến. Giống như việc đang đi trong ngõ không sao, ra ngoài đường cái thấy chỗ nào cũng ghê. Nhưng điều quan trọng nhất là vui với cảm giác mình đang đi đúng con đường của mình rồi." (tên trong bài được đổi theo yêu cầu của nhân vật)
 
Ảnh minh họa

Vào giờ khắc quyết định "sang trang" cho sự nghiệp, Như Quỳnh đang ở một vị trí không phải sinh viên Tài chính - Ngân hàng nào ra trường 2 năm cũng có được ngay, cô bạn trẻ măng, một cán bộ Tín dụng chuyên môn cứng cáp, công tác tại ngân hàng lớn thuộc Nhà nước với mức lương trên mặt bằng chung nhiều lần và hứa hẹn những triển vọng thăng tiến mạnh mẽ nếu gắn bó lâu dài. Nhưng Quỳnh đã chấm dứt quãng thời gian "mặc dù ổn định, đúng chuyên ngành nhưng lại rất vất vả áp lực, stress liên tục" để đến với công việc "đầu óc thư thái vì làm đẹp cho người khác, môi trường sạch sẽ, nghe nhạc thiên nhiên, phòng thơm mùi tinh dầu thư giãn" - chuyên viên chăm sóc thẩm mỹ. 


Như Quỳnh 

Những nhân vật nhắc đến ở đây chỉ là số ít giữa rất nhiều người phụ nữ bình thường. Họ không phải người nổi tiếng hay theo đuổi bước ngoặt vì muốn nổi tiếng; họ không phải gặp bế tắc trong mức sống dẫn đến quyết định thay đổi mà thậm chí ngược lại, có người đã đang là hình mẫu của thành công; họ có người đã kết hôn, có người chưa lập gia đình. Đối diện với những quyết định lạc loài và có tính động trời như vậy, đối diện chung ngay tức khắc của phụ nữ - thường là cảnh dèm pha chỉ trích từ những người lựa chọn theo số đông. Có thể những cô gái may mắn như Quỳnh, được gia đình thấu hiểu và tin tưởng, bỗng nhiên có thêm một nguồn động viên vững vàng trên con đường mới. Nhưng cũng có những phụ nữ như Mai, không nhận được cảm thông chia sẻ từ người thân, phải một mình đấu chọi cho niềm đam mê cá thể. 

Điều thực sự tuyệt vời là bản chất kiên nhẫn vốn có của phụ nữ tuy không khiến các cô gái cá tính này ngủ quên trên chiếc ổ dịu êm tẻ nhạt nhưng lại phát huy tác dụng tích cực nuôi nấng niềm tin khi họ bứt phá. Quỳnh tự học massage, tự tập luyện với bạn bè, thi, và dành được học bổng khóa học trị giá hơn 60 triệu đồng tại trung tâm đào tạo chuyên viên thẩm mỹ uy tín. Còn Mai, chị cũng đã có cho mình những đêm diễn cháy bỏng trước khán giả hâm mộ rock tại Hà Nội, chị nói với tôi về nỗi sợ duy nhất có đôi khi vẫn khiến chị xao lòng: "Đó là sự giáo điều trong chính bản thân mình, sợ làm điều sai trái với ý nguyện của bố mẹ. Nếu không vượt qua được thì mãi tù túng. Nhưng suy cho cùng mình có làm gì mà mình hạnh phúc thì cũng sẽ khiến bố mẹ hạnh phúc".

Những con chim bách thanh đến từ núi và mang tâm hồn tự do của bầu trời. Nó có thể hóa thân thành muôn mặt để làm vui cả con người yêu thương chăm sóc nó lẫn cuộc sống xung quanh. Nhưng tự trong bách thanh vốn chứa giọng ca bằng tâm tư riêng, nhịp đập của say mê riêng. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên yêu thương người phụ nữ bằng cách trả về cho họ tiếng ca thật thà, thỏa niềm tự tại của loài bách thanh; cổ vũ khao khát sống của họ để tiếng ca hạnh phúc vượt ra ngoài chiếc lồng tre cố hữu.

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Dẫu biết rằng kinh khi nghĩ nỗi đường xa


Bọ Lập bị bắt chiều nay, CA đến khám xét lúc 9h, 5 tiếng sau thì giải Bọ đi. Tôi nghe sao thấy đắng cay thế.

Tôi biết danh Bọ từ những năm đại học qua blog Quê Choa, khi ấy tôi chẳng màng gì chuyện chính trị, cũng chẳng biết Bọ có uy gì với chính trị. Tôi chỉ muốn vào blog để đọc tản văn, để nghe Bọ kể về chuyện đời vớ vẩn của những mặt người trắng đen quanh Bọ mấy mươi năm về trước đến giờ: văn sĩ, người nghèo, kẻ hèn, thân phận đàn bà… Đối với tôi, sau thói quen bật cười bởi câu “hihi” cụt lủn kết thúc đoạn văn tếu táo của Bọ, luôn luôn phả ra buông ra từ trong đâu đó nỗi cay đắng quằn quại về một thế hệ thật dài đã chịu đựng quá lâu tàn tích chiến tranh và bế tắc xã hội. Sau này, khi biết đến phim “Đời cát”, khi khổ đau cùng cả 2 nhân vật nữ của Đời cát, khi hay Bọ chính là biên kịch, sự xúc động của tôi òa ra thành nước mắt. Tôi không ngờ ông ấy hiểu cảm xúc đàn bà đến thế, ông ấy vẽ lên quê hương mến thương gần gũi thế, ông ấy kể tội chiến tranh khéo thế. Nói tóm lại, với tôi Bọ chỉ là cây đại thụ về văn chương mà tôi cứ thèm được đọc, được học mãi.

Chứ không phải một kẻ lộng ngôn chính trị. Người ta bắt Bọ đi, chưa có cáo trạng cụ thể, nhưng đang rủ nhau quàng vào cổ Bọ cái tội 258 của Luật Hình sự; cái tội đó nói Bọ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ (tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác) xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Nhẹ thì vài tháng, nặng nhất 7 năm. Ai cũng biết cả, ý “người ta” nói Bọ dùng mấy đoạn văn đúng không thể đúng hơn thật không dám thật hơn, mấy cái “hihi” “hehe”, cùng cơ thể lão già chân thậm chân thọt phải chống gậy bước đi để lôi kéo, để dụ dỗ, để xâm hại, để cổ xúy, để…vân vân. Nghe vẻ gian ác thế, nham hiểm thế.



Trong khi ai cũng lại biết cả, đau khổ của xã hội vì đâu, tai ương đất nước từ đâu. Bọ chỉ như một con sóng ngầm. Cũng có nhiều tri thức khác như Bọ cũng đang phải làm sóng ngầm. Nhưng tất cả họ đều đã già mất rồi. Nhiều người lắm, mong ở đất Việt Nam này mau mau có thêm nữa vô vàn những sóng ngầm như thế, trẻ hơn thế, để một ngày làm lên trận “đại hồng thủy” như của đất Hồng Kông. Chỉ có “người ta” là không. Chiều nay có anh bạn nhà báo già chat với tôi, nói anh thích Jong hơn vì cậu ta lên tiếng cho nhiều người không phải xuất phát từ uất ức cá nhân. Anh nói về Jong hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cũng nghĩ, ở đây, nơi tôi/anh/Bọ/dân mình đang đứng đây, có một cái roi vô hình phất phơ trên đầu từ khi còn tấm bé, bước ra đời là bước vào một bộ máy với các bánh răng kẽo kẹt được vận hành bằng bàn tay bí ẩn. Tôi với anh chat cùng nhau trên FB, tôi viết những dòng này đây, Bọ kể những chuyện trên trên blogspot ấy, chúng tôi đi ngoài đường bước vào nhà, đều có những con mắt đang nhòm theo nghi hoặc. Ở trong cái giếng làng, con ếch biết làm sao ngoài kêu lên ộp ộp? Với nó thì hòa bình không to tát đến mức đòi dân chủ đến với đồng bào (bởi vì không thể, không nổi), mà trước nhất chỉ dám cầu kẻ khác đừng làm hại mình, hại người thân mình. Thế thì có gì kém cỏi đâu nếu nói nếu viết về cái ấm ức của mình, của chung. Chưa kể con ếch có khi nào được yên thân mà lên tiếng? Biết bao nhiêu nhà trí thức đã lâm vào cái con đường 258 đó. Có lẽ ban đầu họ cũng đầy sự hồn nhiên tươi trẻ của Jong chăng, tưởng rằng cứ đem thân ra giành về cái đúng là đủ, nhưng giếng làng bé tèo tẹo, họ đứng lên thì hở ra xung quanh những gia đình bè bạn người thân liên lụy. Thế nên, trên blog Quê Choa lúc nào cũng chình ình một câu Kiều đắng đót “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Đường nào đã xa cho lắm, chuyện đời còn cứ vớ vẩn hoài, nhưng chắc lòng Bọ đã sẵn những cảnh tượng của ngày hôm nay. Bởi vậy sau khi nhà bị khám chồng bị bắt, bà Hồng vợ Bọ kể rằng: “Anh Lập dặn, yên tâm, nếu sau 9 ngày không thấy về thì chắc khoảng 3 năm”. Tôi hình dung ra Bọ, đầu trọc mắt cười tít chân gậy đi thậm thọt, đủng đỉnh chậm rãi lên xe “người ta”, tôi thoang thoáng dịu lòng dù chỉ một tí ti.

Ôi cái đường xa – đường đến một ngày thực là cái bút có thể nào xoay được chế độ – chạy sát kề con đường 258 biết là kinh là hãi thế, nhưng còn bao người vẫn theo. Đấy cuối cùng chẳng phải vì lòng yêu lẽ phải vĩ đại sao?

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

[Depplus.vn] - Đáng ra, những chuyến tàu đã "nối những bờ vui"


Chẳng vô duyên mà người ta cứ đem hình ảnh đoàn tàu ra để nói về mấy thứ già cỗi, mấy chuyện kỉ niệm. Và ít nhất là với cá nhân tôi, không có cái gì cố chấp ở lại với sự nguyên vẹn đến mức...nguyên si như ấn tượng về những chuyến tàu... 

Chuyến tàu xa xôi nhất có lẽ là từ khi tôi còn nhỏ lắm, gia đình chuyển từ miền xuôi về Lào Cai lập nghiệp. Lúc đó tôi chắc chỉ 5 tuổi và mọi thứ đến từ con tàu đều mang một vẻ bí ẩn lẫn đáng sợ. Từ những mảnh ký ức rời rạc cũ rích, tôi thấy những con người lên và xuống khỏi một cái hộp lớn, họ mệt mỏi đến mức ngay cả trong mắt của một đứa trẻ con cũng có thể thấy được điều ấy toát lên trong từng ánh nhìn, giống hệt ánh nhìn của chính bố mẹ tôi mỗi khi cố gắng an ủi rằng đi tàu rất vui và chỉ cho tôi những toa tàu nghiêng ngả phía xa. Rồi mẹ để tôi đứng chờ bên cạnh một đường tay cũ, nơi đầy cỏ xanh mọc hai bên chen cùng với những viên đá mốc meo. Tôi loanh quanh với chúng đến khi đoàn tàu xuất hiện, đầu tàu lầm lì tiến vào ga trong âm thanh đều đều ầm ĩ nhất mà tôi được nghe. Hồi đó chúng tôi đã lên một toa hàng chợ để tiết kiệm, nơi đầy mùi hàng hóa lẫn với hơi mồ hôi người. Tôi được nằm ngủ trên nền tàu bằng kim loại, lót chăn mềm nhưng không đủ che đi cái âm thanh của gầm tàu kẽo kẹt ám ảnh đến tận bây giờ.



12 năm sau (khi tôi quay trở xuống Hà Nội học Đại học), rồi 17 năm sau, cái chặng tàu quen thuộc vẫn đón tôi với từng băng ghế cứng kèo xúm xít người nằm ngồi. Những chuyến tàu đêm rú rít ầm trời, còi gió thốc từ ngoài ruộng qua khe cửa thoáng mỗi đợt ồng ộc nhưng người say nôn. Đi qua từng khúc ray nối, tàu vẫn cứ nảy xóc lên thon thót, đầu ai gục xuống mảnh bàn con con nghỉ tạm lại được dịp đập trán đánh "bốp". Ấy là tôi chọn vé ghế cứng vì muốn tiết kiệm lấy vài chục, mua quà cho đứa em, chứ nghe bảo tàu cũng có toa giường nằm lâu rồi. Một lần tôi cũng thử. Có êm hơn thật, bữa đó tôi không mất ngủ vì rung lắc nữa, mà vì...mùi gối chăn, không đắp thì lạnh còn đắp thì...cực chẳng đã mất thêm vài đồng tiền, nên đó là lần cuối tôi đi toa nằm. Khổ nhất là vụ vệ sinh. Chẳng nỗi hãi hùng nào trên tàu kinh sợ bằng cơn đau bụng đòi "giải quyết khẩn". Gió thổi qua "lỗ thoát" lạnh tê tái, không giấy, không nước sạch... cho nên cứ bước chân lên tàu, các cô bán đồ ăn dọc chuyến thể nào cũng mời mọc đủ trò, nào xôi nào bánh nào nước ngọt rồi ngô khoai, dù đói dù thèm nhưng tôi không, không là không. Đấy là chưa kể đến những nỗi rùng mình vì bất ngờ nghe tin ai đó ở một nơi nào đã bị tàu "húc", khi lỡ vô tình hoặc cố ý chạy qua đường ray; chuyện thương tâm cứ diễn ra mãi mà barrière, còi, đèn đủ kiểu vẫn không làm thuyên giảm, nên tôi như bao người chỉ còn biết tự học cách tĩnh tâm hơn.



Thế mà cả tháng trước đó, cho kịp về thăm quê đêm 30, tôi đã phải gọi điện tới tấp, chạy ra chạy vào nhà ga để chen chân giữa bao người mua vé Tàu Tết. Ôi trời đất, những năm tháng sinh viên sôi nổi, tôi cứ nghĩ mãi về cái chuyện đi tàu ấy, cứ bị băn khoăn giằng xé cảm xúc giữa một bên là đoàn tàu rõ đẹp đẽ uốn lượn trong thơ ca, và một bên những chuyến tàu "bão táp" mà tôi thực đã đi qua.Tôi đã từng biết cảm giác thấp thỏm trông ngóng những ô cửa sáng đèn của đoàn tàu từ Hà Nội đi qua cánh đồng trước nhà, tôi cũng muốn yêu con tàu mùa xuân "tưng tửng" sức sống như của Phan Lạc Hoa, nhưng đã hàng bao năm, những chuyến tàu cũ kĩ chỉ có cũ mãi đi mà chẳng tươi mới nào thêm. Nên dù tôi ước những con tàu Tết về quê sẽ nhẹ nhõm, sẽ rộn ràng hí hửng như thể đang "nối những bờ vui" mà chưa khi nào được thấy. 



Mới hôm qua, tôi xem chùm ảnh anh bạn phóng viên chụp khi tiện tàu LC1 lên Yên Bái làm phóng sự, những bức ảnh về toa khách vắng hoe sau ngày đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội được thông xe. Nó giống đoạn gần kết hơi phũ phàng của một bộ phim chẳng có hậu tí nào: nhân vật chính mang đầy trên mình vết tích dập nát cùng nỗi buồn bã, ai cũng mong nó sống lại; mà ông đạo diễn chẳng chịu đầu tư tình tiết gì để vực lên, cứ bắt nó cống hiến cuộc đời tẻ nhạt mãi bên những con người đang dần dà đòi xa nó, và oái oăm, ổng lại bắt khán giả cứ phải vỗ tay ca ngợi nữa kìa. À không, nói vậy thì chưa đúng hẳn, ông này cũng có mời bà con ở lại xem tiếp, hứa hẹn những sự hấp hẫn hơn bằng loạt vé bán qua mạng có vẻ rất tiện lợi. Nhưng rạp tối quá, bà con nhấp nhổm hoặc là tặc lưỡi bỏ đi gần hết rồi. Tôi thì vẫn đang ngoan cố ngồi ở lại mong chờ một sự Đổi Mới, bởi vì hình như đó vốn cũng là tên của con tàu mà.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

[Depplus.vn] - Tìm bình yên giữa Mộc Châu trắng màu hoa cải


Hò hẹn với Mộc Châu đã năm lượt bảy lần, thế mà "rình rập" mãi tôi mới lên đúng mùa cải trắng.

Mất cả một ngày hôm trước kì cọ chăm chút "em" xe 67 chiến hữu thân yêu, và thêm gần nguyên ngày nhẩn nha tha thẩn đi dọc Quốc Lộ 6 mới tới nơi. Tôi không chủ định "săn hoa" vì vốn chẳng phải nghệ sỹ nhiếp ảnh cho dù là nghiệp dư, chỉ đơn thuần muốn ngắm, muốn hít thở vị trong lành của miền đồi núi. May mắn thế, chỉ vừa qua Mai Châu, tôi đã thấy thấp thoáng những vạt cải phau phau rủ nhau chạy tít ra chân trời, ngun ngút. Quyết định dừng lại thêm một tiếng đồng hồ nữa, tuy muộn màng, tôi "chụp" lia lịa những cảnh cánh đồng hoàng hôn như tranh bằng cách...chớp mắt, dụi mắt, rồi lại nhìn, lại chớp mắt. 




Nắng quái chiều không còn đỏ quạch, chỉ lưa thưa những sợi vàng yếu đủ khiến khắp núi rừng mờ nhòe như bức hình màu "vintage". Tôi chọn homestay tại nhà sàn một gia đình ngay gần cổng vào rừng thông bản Áng, tiền túi chẳng hết bao nhiêu, vài chục nghìn cho một chỗ ngủ ngon lành. Tối đó tôi được "chung sàn" cùng vài tốp bạn cũng đến đây nhân mùa hoa cải. Chủ nhà chuẩn bị cho chúng tôi một bữa ra trò, quanh mâm đầy ắp những sản vật địa phương: nặm pịa, bê chao, cơm lam, ốc đá, cá suối, lợn mán, cải ngồng… Một chút rượu táo mèo làm quen, tôi được biết đội bạn toàn dân "phượt" chuyên nghiệp, chuẩn bị chu đáo đến cả mùng mền túi ngủ; họ đông vui và trẻ trung, đàn hát trò chuyện thâu đêm. 
Hồ thông bản Áng 

Đêm xuống chẳng hiểu sương hay mưa lây rây, Mộc Châu lạnh quánh, mịt mờ. Đứng bên hiên nhà sàn trông ra xung quanh, thấy núi rừng lặng ngắt, thấp thó, ảo diệu vô cùng.

Tôi dậy sớm, thu dọn chăn màn và kịp xuống sân để vặn khớp cổ khớp chân trước cuộc hành trình đi thăm thú những cánh đồng. Đêm hôm trước đã nghe chị chủ nhà mách: "bên bản Áng, bản Búa và thị trấn Nông Trường, hoa đang kì nở rộ". Chào chị, tôi phóng xe đi liền, đội bạn còn ở lại chơi đến gần trưa mới xuất phát.


Hóa ra cũng không khó khăn gì chuyện tìm đường, người dân đã quen với những vị khách miền xuôi lên đây xem hoa chụp ảnh, họ chỉ cho tôi lối đi tường tận, đám trẻ nhỏ hồn nhiên còn hào phóng dẫn vào tận nơi. Trước mắt tôi, cả cánh đồng bao la, cái thứ màu trắng làm một chiếc áo đỏ của đứa bé địu em cũng rừng rực nổi lên, thắm thiết. Tôi leo lên một khu đất cao, yên vị trên phiến đá rộng. Hoa chen với mơ mận, với nhà, chen lên đường; đường len lỏi quanh co giữa hoa, giữa cỏ dại. Ờ, tuy chẳng có máy ảnh, nhưng cảnh tượng "hồng hoang" đó cứ từng phút từng giây chạy thẳng vào trí nhớ day dứt mãi về sau này mà tôi chẳng cần bỏ công tốn sức. 





Mặt trời lên cao và bắt đầu sang chiều, nhưng mùa đông nắng không hề gắt gỏng. Tôi thoạt trông thấy mấy cô cậu "chung sàn" tối qua cũng đã tới nơi, màu áo đỏ sao vàng chẳng lẫn đi đâu được. Họ tản mát, tạo dáng, chụp, lại tụm lại, tạo dáng, chụp. Miệng nói cười vang cả cánh đồng. 

Tôi ở lại không lâu sau đó, vì tôi thích sự yên tĩnh hơn; tôi thích những đàn em bé chạy qua, đạp xe qua trên con đường đất; áo quần chúng xanh đỏ tím vàng đã nhuốm màu "cháo lòng" vẫn bừng lên rực rỡ giữa đôi bờ trắng tinh. Vả lại cuộc nghỉ 3 ngày ngắn ngủi cuối tuần cũng nhắc tôi phải bớt chút ít thời gian để mua vài thứ làm quà cho bè bạn. Nào sữa, nào thịt trâu, bò hun khói, nào rượu táo mèo, rượu ngô… 


Khắp lối về, cải còn mọc lẻ dăm ba đám trên các mảnh ruộng hoang, như muốn len lỏi níu chân tôi mãi chẳng dứt. Nhưng thôi, một chút xíu thế thôi, màu hoa trắng buôn buốt núi rừng trả lại tôi lòng nhẹ nhõm giữa bừa bộn (chứ không phải bề bộn) phố phường, xe cộ.

[Depplus.vn] - Con tôi biết đọc sách gì?


Thằng bé hàng xóm đi học về, giơ ra trước mặt bố mẹ cái thông báo viết bằng excel kê khai tường tận từng khoản tiền phải đóng, hai vợ chồng tự dưng quay ra vặc nhau. Chung quy cũng lại câu hỏi tiền gì lắm thế, sao có mỗi sách vở, đã ngót nghét cả triệu đồng ngon ơ.

Trung bình một kỳ, các ông bố bà mẹ chu cấp cho mỗi đứa con của mình nào sách giáo khoa, sách luyện tập, sách tham khảo, giáo trình điện tử,... Tuy lắm khi tôi đắn đo không biết các cháu có "tải" hết ngần ấy kiến thức không, nhưng thường thì trước mắt cứ là vui mừng đã. Bởi vì thế mới thấy thị trường kiến thức bây giờ muôn lối ngàn cửa mà nắm bắt lấy. Chẳng khó khăn như cách đây độ chục năm, tôi cạy cục đứa bạn, sáng nào cũng "cong đuôi" chở nó đi học mới mượn được một bộ đề Toán sưu tầm của thầy Trần Phương. Thời tôi đi học, có chữ trong đầu đã khó tiếp cận nguồn sách đến thế; bố mẹ tôi dân lao động tay chân, dù muốn mua sách cho con cũng chịu, chẳng biết cuốn nào ra với cuốn nào. Bây giờ mặt bằng dân trí chung đã cao hơn, mức chênh lệch kiến thức phổ thông của cha mẹ với con cái nhỏ đi, nhưng bù lại, các bố mẹ bận bịu tối ngày việc nhà việc cơ quan, xét ra cũng không còn thời gian đâu để cùng con chọn sách. Như cô hàng xóm bên kia, thấy thằng nhỏ đòi cuốn này cuốn khác, nghĩ con mê học hỏi ham tìm tòi, cũng chẳng nề hà gì móc túi mua về cho con.

Thế nhưng vì sôi động quá, nên chưa khi nào thị trường sách lại rối nhiễu, méo mó như lúc này. Nắm bắt nhu cầu độc giả là thế, mỗi năm có hàng trăm hàng ngàn đầu sách xuất ra, bìa xanh, bìa đỏ nổi bần bật, bày bán trong cửa hiệu, ngoài hội chợ, giảm giá hết cỡ. Mấy ngày gần đây, thiên hạ chẳng lạ gì những vụ lùm xùm về đám "ngụy thư" lan tràn phát khó hiểu. Một cuốn sách Hỏi đáp nhanh trí cho con trẻ cấp 1 với những mẩu đối đáp theo kiểu "sát thủ đầu mưng mủ", tức là thay vì đem lại kiến thức và tư duy sáng suốt, người ta sẽ chỉ thấy nó nhố nhăng, châm biếm (tôi e phải bằng bộ não 16+ mới tạm lớn để thông cảm mà nghĩ "thôi thì cũng có tính châm biếm"). Một cuốn từ điển được soạn và sử dụng trong thư viện suốt từ những năm 2001, ai nấy đều ngã ngửa với nội dung sai trầm trọng, thậm chí là nhố nhăng; ai nấy cũng kêu giời lên "cái ông Chất họ Vũ là ông nào thế?" thì chẳng một chuyên gia nào hay biết, họ chỉ phỏng đoán: một kẻ dởm đời dùng sách vì mục đích kinh doanh hèn kém. Một cuốn sách Tiếng Việt khác nhất quyết cam đoan giúp các bé học tốt môn...Toán, còn một sách Toán thì nhất định phải bắt cháu "cụt hai ngón tay" mới dạy cháu "10 - 2 = ?".

"Binh pháp Tôn Tử" là một cuốn sách đậm chất DẠY, xuất hiện cách chúng ta hơn 2500 năm, tồn tại bằng cách truyền miệng, bằng ghi nhớ, mãi sau này mới là in ấn, giảng giải. Tôi tự hỏi tại sao sau ngần ấy năm, không một ai biên tập chỉnh lý, không một khâu thẩm tra xuất bản nào, nhưng về giá trị nội dung thì cứ còn mãi, đúng mãi. Tại Việt Nam, để từ bản thảo ra cuốn sách lên kệ cần trung bình 2 năm xin giấy phép phát hành, kiểm duyệt và in ấn; tại sao lại trôi nổi những cẩu thả rùng mình đến thế? Tai họa nhất, sách làm giả, sách có nội dung kém chất lượng lại tập trung nhiều nhất ở độ tuổi độc giả là thiếu nhi. Các con chưa đủ "tinh tường" để nhìn ra những cuốn sách "sạch", những cuốn sách chắc chắn sẽ dạy các con điều hay lẽ phải và giúp các con nên người, giữa trăm ngàn cuốn trang trí màu mè với hình thù bắt mắt.


Sự to tiếng vì sự xót tiền từ bên hàng xóm chỉ là một trong vô vàn lời qua tiếng lại trong các gia đình Việt Nam. Nhưng các ông bố bà mẹ mỗi ngày vẫn chẳng tiếc gì, lai lưng gánh chở cuộc sống vì con cái. Bên cạnh nhà trường, họ tin tưởng vào sách vở cũng giống như người thầy, thay mình dạy dỗ con; tiền ra đi có sao miễn là kiến thức về. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ tưởng tượng được thôi sự hốt hoảng vào một ngày đẹp trời, khi bà mẹ vui vẻ hỏi: "Cây cau và cây dừa có điểm gì khác biệt?" , thằng con nhanh trí trả lời i như sách: "Rung thử thì biết". Hỡi ôi, từ cuốn sách dởm của hôm nay mà ra "thảm họa" cho ngày sau. Những người làm cha làm mẹ giờ đây lại phải cùng con đấu tranh cùng chính những "người thầy" đáng ra phải được tin tưởng nữa ư? Rồi thì, con cái chúng ta còn biết đọc sách gì?

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

[Depplus.vn] - Vợ ơi, nếu em không yếu, hãy mềm

Theo DEPPLUS.VN

Anh kể em nghe, chuyện anh vừa đọc trên báo gì có anh chàng năn nỉ xin ly hôn vì vợ "oánh". Mà cô ấy cũng tài, "oánh" anh này nhập viện luôn, lành vết thương rồi mà thần hồn còn hoang mang tơi tả.

Hồi sinh viên, ông thầy dạy anh tếu táo, bảo phụ nữ các em nhỏ bé "kém phân" vì sinh ra từ cái xương sườn của đàn ông, dưới bàn tay Chúa. Nhưng mà không em ạ. Từ ngày ấy anh đã nghĩ, người nào vẽ ra câu chuyện về Chúa biết đâu cũng chỉ là một gã đàn ông tự mãn về sự mày râu cơ bắp của mình mà xem nhẹ chị em; hoặc cũng lại biết đâu là chàng trai mến yêu cái nết dịu dàng của đàn bà nên tự nhận thân mình to tát lớn lao để đeo mang lấy nghiệp chở che, bảo vệ. 

Ấy cái chuyện của thiên hạ, anh vốn chẳng định bàn. Hôm rồi anh nghe loáng thoáng thấy em với cô Sáu nhà bên nói cái gì như là "nữ quyền", "bình đẳng", thế nên anh mới đem chút hoang mang ra kiếm cơ hội thủ thỉ cùng vợ anh.
Em ơi. Tạo hóa, về số đông, hẳn là công bằng. Nên phụ nữ liễu đào thèm thuồng cái thô ráp vững chãi của đàn ông, mà đàn ông cộc cằn thì khát khao cái mềm mại, nhu mì từ phụ nữ. Đàn ông đàn bà cứ thế mà gặp nhau, yêu nhau, thành vợ thành chồng, bù, đắp.


Nói đúng ra, anh chẳng thích cụm từ "phái yếu". Cứ nhìn vợ anh là biết. Cao một mét sáu mươi nặng bốn mươi bảy cân. Khi anh đang công tác, còn nhậu nhẹt với bạn bè; một mình em sáng dậy lau dọn cửa nhà, đi chợ mua đồ, cho con ăn đưa con đi học, làm hết 8 tiếng cơ quan lại hấp hổi về nhà nấu cơm, tắm táp cho con, giặt giũ quần, dọn dẹp chén bát. Khi anh ốm mệt có khi lười biếng cáu gắt um nhà, chứ em đau yếu cũng chẳng đổ công việc vào tay ai, tất cả vẫn trơn tru ngăn nắp. Bao năm qua, anh đã sinh ra trong vòng tay ấm áp chu toàn của mẹ, đã lớn lên bình yên từ thứ thương yêu dịu dàng rất phụ nữ ấy, và sống bên em tần tảo sớm hôm, nên em ơi, anh biết ơn cái sự trơn tru nhẫn nhin ấy thế.

Mấy thằng bọn anh hay khề khà nói với nhau, rằng "đàn bà như hùm như cọp", ghen tuông quá cả Hoạn Thư. Nhưng ấy là chúng nó không hiểu hoặc vui trò đấy thôi. Chứ anh thì anh biết. Hổ cái chỉ dữ dằn nếu con đực muốn giao phối mà chẳng hề làm nó nể phục, hoặc nó cảm giác điều gì đe dọa đến những đứa con. Trường hợp của Hoạn Thư, kì thực ông Nguyễn Du đã vẽ ra một người vợ ghen tuông nhân tính chán, trước khi rước lấy tiếng ác vào thân, Thư cũng năm lần bảy lượt để chồng có cơ hội lên tiếng thú nhận về cô vợ lẽ ở Lâm Truy mà Sinh đâu có biết ý hiểu tình. Thôi thì, âu cũng là...truyện. Vậy nhưng đại ý, từ hoang dã vào đến thơ văn, tạo hóa cho đến nhà thơ vẫn để lại ở bản chất của "giống cái" sự dịu dàng, mềm mỏng.



Vợ! Anh biết bây giờ phụ nữ các em đâu chỉ tay hành tỏi tay áo quần. Mà phụ nữ tự do làm đẹp bản thân, tự tin vào kiến thức chuyên môn, năng lực xã hội. Thậm chí đã bước ra mọi chiến trường, đã có mặt trên mọi sân đấu rồi: bóng đá nữ, cử tạ nữ, quyền anh nữ,... cũng là bởi thế giới nhìn thấu suốt mong muốn thiết tha về xã hội bình đẳng của đàn bà. Nhưng thế giới vẫn cứ còn những cuộc thi hoa hậu mà chúng mình thường "cắm mặt" vào xem như tối qua: các cô gái với hình thể đầy đường cong quyến rũ, vận chiếc áo lụa bay, nói những lời thỏ thẻ. Bởi vì thế giới vẫn hằng tôn thờ ở đàn bà khí chất nữ tính, vậy thôi. Thế giới, chẳng ai đâu xa lạ, là em với cái mẫu tính có sẵn trong máu từ khi sinh ra làm thân con gái, và là anh vẫn mong chờ mỗi ngày những sự âu yếm của vợ mình.

Ngẫm lại chuyện anh chàng kia - kém may mắn quá - gặp đúng cô vợ chẳng những không yếu mà còn quá mạnh. Anh tự đặt ra bao nhiêu câu hỏi. Cuộc sống gia đình nào không có sai sót bất hòa, hẳn là trong những chuyện xích mích của đôi vợ chồng ấy cũng tại anh tại ả tại cả đôi bên, chứ ngần ấy năm tìm hiểu, chung sống cớ gì anh này không biết "level" của chị nhà? Ví thử anh này có điều gì sai thật, ví thử anh này vô ý tứ trong hành xử để đến mức làm vợ "nổi máu" lên, nếu mà cô vợ "uống miếng nước ăn miếng bánh" cho hạ hỏa rồi lời lẽ với chồng, nếu mà khi đầu gối má kề cô ấy thủ thỉ trách móc bằng một vòng ôm quanh bụng anh ta, ví thử, nếu mà...? Tóm lại, anh không định bênh vực riêng ai. Duy có điều này anh thấy thực không ổn, trong cơn giận, cô ấy đem cả đứa con ấn xuống gầm xe tải để đe chồng, đến thế này thì độc ác quá, khó mà hiểu cho quá. Anh tiếc nuối, bởi, quanh quán bia ồn ã, mấy gã vẫn vỗ ngực "tôi đây típ phờ nờ" lại có thêm một câu chuyện đàm tiếu đầy phiến diện và "vơ đũa cả nắm" về cái nết đàn bà; còn về nhà, những ông chồng khối người bất ngờ chột dạ hoang mang.

Riêng anh, anh thấy thương, thấy trân quý mảnh "xương sườn" của cuộc đời mình, vì em - người vợ không yếu, nhưng rất "mềm".