Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Cỗ chuột đồng


Những ngày Hà Nội đầu đông bất chợt hửng nắng, thảng hoặc có hơi khói rơm từ ngoại thành lấn vào nội đô, tôi nhớ lần bác cả điện cho bố: "Về đi bắt chuột, uống với tao". Thế là bố tôi về, còn tôi thì "bám càng" bố. Và thế là tôi được tham gia vào cuộc đi săn "nhớ đời".
  
Quê nội tôi ở Gia Lộc, Hải Dương. Từ nhà tôi lên Hà Nội học, quê nội nằm ở giữa, cách đều 2 phía. Thế nhưng không phải tôi được về luôn luôn. Bố mẹ tôi "thoát ly" ra đất mỏ từ những năm tám mươi, năm thỉnh mười thoảng dắt tôi về giỗ ông hay chúc Tết, khi đó tôi bé tí ti; sau này, thêm đôi lần tôi "liều" phóng xe máy về thăm nội. Nhưng hình như cái mệnh Thổ của tôi nó khiến cho hơi ruộng đất ăn sâu vào niềm say mê chứ không hề bị xa lạ.


Từ đêm trước, bố và bác đã ngồi bện những búi rơm dài khoảng 2 gang tay, quê tôi gọi là cái "bùi nhùi" (một vài quê khác gọi là "con cúi"), để hôm sau hun chuột. Vừa bện, hai người đàn ông vừa kể cho tôi nghe về về thời ấu thơ của họ, những ngày ổ rạ con trâu trở thành bạn bè, những ngày đói kém triền miên quanh năm chỉ biết sống bằng củ mài con chuột. 


Trời hửng nắng, bác và bố người vác cuốc người xách xô ra đồng, tôi con nít theo đuôi được bác giao cho giữ nơm và giỏ đựng. Quê nội tháng 11 đã qua vụ gặt, gốc rạ trơ xám nổi lên, ruộng trống trải làm lộ từng hốc chuột đồng to tướng quanh mép mương. Hóa ra chẳng riêng gì 3 chúng tôi, bờ thửa nhà nào cũng đã có các gia đình đi bắt chuột, cả cánh đồng mênh mông như thế mà đông vui nhộn nhịp như hội hè. Khói mảnh khảnh từ những búi rơm bay lên, chẳng mấy chốc đã tan ra, ngào ngạt.


Bố chỉ cho tôi hốc chuột, cửa hang to bằng thân chuối. Bố nói chuột ranh ma không "xây nhà" một cửa, ông dắt tôi đi xung quanh để kiếm các cửa hang phụ, rồi lấy những tấm giằng (lưới thép) găm xuống chặn cửa hang. Bác cả đã xách được vài xô nước, và đào rộng miệng hang. Bác đặt ngay cửa một cái nơm tre, rồi liên tục đổ nước vào hốc. Các cửa hang đều đã chặn, chuột tháo chạy bằng lối chính; bố mồi bùi nhùi kế khói vào miệng hang, những con chuột lì lợm cũng đành ì oạp lội ra vì sặc khói, cắm đầu thẳng vào miệng ống nơm, chỉ còn thò lên cái đuôi dài ngoằng, ngúc ngoắc. Bác cho tôi cầm đuôi chuột thả vào giỏ đựng. 


Quá trưa, tôi với lũ trẻ con cùng làng cầm giỏ lúc nhúc hai chục chú chuột đàn đi khoe nhau. Các ông bố đun nước làm lông và hun khói chuột ngay tại đồng. Từng con từng con mập như trái chuối tây, trắng nõn rồi vàng ươm. Da chuột mỏng nhưng bố thui rất khéo, không bị nứt rạn bao giờ, con nào cũng óng ả. Với hai mươi con chuột đã làm sạch thui thơm là 2 vợ chồng bác tôi đã có được một mâm cỗ đủ vị để thết đãi "thằng em" xa quê và đứa cháu ruột. 


Khi nghe tôi kể về thịt chuột, đám bạn thành phố đứa nào cũng rùng mình, nhưng chuột đồng ăn lúa ngô nên sạch sẽ, thịt thơm và dai, chứ không nhơ nhớp như chuột cống chuột chù. Các món từ chuột cũng đa dạng phong phú lắm. 

Dễ nhất là luộc, nhưng phải được luộc với nước mưa, phải được ép với lá chanh xắt sợi cho ráo bớt mỡ và đượm mùi. Miếng thịt sau khi chặt ra lại được ăn với muối chanh, dai ngọt như thịt gà.


Thịt chuột chặt miếng, một nửa ướp muối và ngũ vị hương, đảo đều cho ngấm rồi rang nhanh tay trên lửa lớn, từng miếng thịt chuột khô se có màu cánh gián phủ hạt muối mịn tinh; một nửa kia ướp sả ớt và nước mắm quê, xào liu riu nửa tiếng, thế là lại có thêm một món thơm phưng phức.


Những con béo ngậy thì bóp với giềng mẻ nấu giả cầy.


Quê nội tôi lâu đời thuần nông, nhưng đất đai không đủ mỡ màng để xen canh gối vụ, người ta chỉ biết trông vào lúa ngô là chính, lác đác có nhà trồng hoa màu rau xanh. Người làng xuất thân nghèo khó, thịt chuột trở thành miếng ngon quê nhà, không phải thứ cao lương mĩ vị nào xa xôi cả. Thịt chuột xuất hiện cả trong đám cưới, cả trong giỗ chạp, cả trong hội làng rộn rã ngoài đình.

Tôi đi qua nhiều phố ở thị thành, thấy những nơi giăng biển "đặc sản", rồi nghe cả chuyện người ta vì miếng "đặc sản" mà bắt cả chuột cống từ bãi rác bệnh viện để kinh doanh. Tôi cảm thấy chạnh lòng, như thể đáng thương cho những thực khách ở đó; không biết có khi nào họ được ăn biết miếng thịt chuột béo mềm sống bằng ngô khoai thanh đạm, không biết có khi nào họ hiểu thịt chuột "đặc sản" bởi nó là miếng thịt được sinh ra tự nhiên từ ruộng đồng, dù đất cằn vất vả. 

Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét