Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Lên non tìm động hoa vàng...nhớ em

Theo DEPPLUS.VN

Dã quỳ đã nở vàng trên những vạt đồi cườm nắng. Có ai lẩn thẩn như tôi, đem sách ra phơi trước hiên giữa ngày gió lộng. Gió cũng khéo sao, "vén" từng trang mỏng, "chìa" cho tôi xem bức thư tình đầu nhiều xao xuyến quá, chỉ một bài thơ đều nhịp như bước chân lần tìm thảm hoa, mà năm ấy nắng rộ cả trang đời trẻ dại.



"Rằng xưa có gã từ quan.." Những lời thẽ thọt của thời hoa bướm mộng mơ đã bắt đầu như thế...

Có lẽ cái lãng đãng của ngày ấy - những tháng năm chép chép ghi ghi từng câu hát vụn, ép vở đôi ba cánh hoa bay; những ngày có cặp mắt nhìn theo đắm đuối cuối đường lặng thinh, chỉ chờ có đứa nhóc nào chạy ngang để nhờ chuyển tới đôi ba dòng thương yêu - không còn cho tôi nữa. Kể cả Phạm Duy, kể cả những chàng trai của thời "từ quan tìm động hoa vàng ngủ say" cũng đã xa biền biệt.

"Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng"




"Tàn cuộc hoa này", nhưng sao nghe chẳng buồn phiền, chỉ nhẹ nhõm như gặp lại người bạn cũ. Động hoa vàng mơ hồ của ái ân vẫn ở đó, biết bao thế hệ chàng trai si tình đã dìu tay đã đuổi bắt các nàng thơ, đã vô vọng luyến thương nuối tiếc. "Thôi thì thôi nhé" nhưng mà vẫn cứ nhớ thế, nhớ không dồn dập nhớ chẳng gào thét, chỉ nhớ tha nhớ thẩn như say, cứ mơ hồ mà gần gũi như câu ca dao buột ra khỏi miệng; cứ thanh thản hồn nhiên ở khép nép trong tim, nên bao năm sau lại có cơn gió thoảng qua nhắc khẽ một vài lời.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Vui buồn ảnh cưới


Đám cưới quan trọng không? Quá đi chứ! Dù bây giờ có thể đã nhan nhản những lời tâm sự của các cô gái trẻ rằng "sống với nhau là chính, một bữa tiệc để vài trăm người ăn uống nhậu nhẹt có gì mà phải kẻ cả", nhưng không, thẳm sâu trong lòng cô gái nào cũng là niềm ao ước "Em đẹp nhất đêm nay". Và để lưu dấu ngày đẹp nhất ấy, từ lâu "Album Cưới" đã có mặt - thậm chí là kiểu gì cũng phải có mặt.

Tôi ủng hộ nhiệt tình việc mỗi người trân trọng khoảnh khắc trong đời, nhất là khi lên xe hoa, đối với phụ nữ nó trọng đại như thế. Gia đình tôi không có có album, mẹ tôi tự cho rằng bà là người có trách nhiệm cất giữ những bức ảnh cũ, trong một chiếc hộp, những tấm hình quay ngược được thời gian về lại ngày tôi còn bé ti hin, thậm chí về lại cả thời mẹ còn con gái đội nón lá, mặc quần lụa áo tay bồng đi học. Vì điều kiện gia đình và công việc, mẹ tôi chẳng bao giờ buồn khi đám cưới không rộn rã tươm tất bằng bạn bằng bè, chỉ buồn vì chẳng có được tấm hình nào ngày mẹ và bố cưới nhau. Nó như một góc khiếm khuyết kí ức khiến mẹ tôi cứ mỗi khi nhắc về lại xuýt xoa nuối tiếc và chạnh lòng.


Thời của mẹ khác, tất nhiên. Ảnh cưới chỉ là nhờ một bác phó nháy hay một người bạn làm thợ ảnh chụp cho hai vợ chồng một vài bức, rửa phim xong có người nào cẩn thận lật mặt sau tấm hình viết dăm ba câu bằng bút mực "Chúc mừng hạnh phúc hai em" là vui sướng lắm. Bây giờ công nghệ hiện đại quá rồi, chúng ta yêu nhau, có thể bên nhau cả ngày, đi chơi đi ăn là "tách tách" luôn vài kiểu selfie, nhưng ai lại đưa những hình ảnh nhí nhố đó vào album Cưới. Đã bao năm mới có một (số ít) lần, phải lộng lẫy, phải khiến người ta đỏ mắt ghen tị mới thôi. 


Thế nên dịch vụ ảnh cưới bây giờ muôn màu muôn vẻ lắm rồi. Chụp ở studio, chụp trong thành phố, chụp xa thành phố, chụp ở nước ngoài. Chụp áo dài, chụp soiree, chụp áo đôi, chụp nude...đủ cả. Trên thực tế cũng nhiều chuyện oái oăm. 

Mùa này chắc cũng chẳng ai còn xa lạ nữa cảnh quanh Bờ Hồ mỗi ngày có đến vài chục cặp đôi áo dài áo cưới, cách nhau chỉ chừng 5 - 7m, thay nhau tạo dáng; các phó nháy đeo lỉnh kỉnh quanh người 2, 3 ống kính, chỉnh stylist bằng miệng mệt nghỉ: "cô dâu xích qua trái một chút, chú rể đặt tay lên eo cô dâu đi nào, cả hai nhìn vào nhau cười nhé, ấy, cô dâu cười mím chi e thẹn thôi, nhìn vào mắt anh ấy đi, tình tứ vào chút nữa..." Ban đầu tôi thích thú lắm. Ở một đất nước bề dày văn hóa ý nhị như nước mình, thế hệ cao tuổi hãy còn nguyên cảm xúc về thời nắm tay đỏ mặt, bỗng một hôm người ta được thấy vài đôi trẻ xinh đẹp như hoa ôm nhau giữa bao nhiêu người, cái hình ảnh sao mà dễ thương, dễ làm tưởng tượng về con đường hạnh phúc sắp tới trong cuộc đời của họ; với người ngoài thì đây quả tình là món ăn tinh thần vui quá, đẹp quá! Nhưng món ăn nào cũng thế, nhiều và thường xuyên, thì bắt đầu bội thực.


Chưa kể không phải chuyến đi chụp nào của các cặp đôi cũng suôn sẻ. Đa phần do sự "bất hợp tác" của các chú rể trước sự nhiệt tình quá đà của các cô vợ sắp cưới. Trường hợp này tôi thấy thương lắm, cô bạn tôi khóc lóc mất mấy ngày vì khi nhận album về, dù đã photoshop lên xuống vẫn không thể làm cho cái mặt quạu quọ của chú rể tươi tắn hơn, nhưng tôi cũng hiểu cho anh chàng khi vận bộ đồ vest nóng nực giữa trưa, lếch thếch hết chỗ này sang chỗ kia tạo đủ các dáng cho thỏa ý cô nàng: nào cõng nào bế. Quá tội. Đành rằng tôi hay ai cũng chỉ là cái nhìn người ngoài, chẳng dễ gì liên quan đến người trong cuộc, nhưng tôi tiếc vì những góc đẹp đẽ của thành phố, những chiếc áo dài thướt tha, những bộ đầm rực rỡ, những cảnh trai gái bên nhau hạnh phúc đang phơi ra trước mặt chẳng còn khiến ai cảm thấy rung động nữa. 


Một số lượng (ngày càng nhiều) cặp đôi khác có tư tưởng sống sôi nổi hơn, thoáng đãng hơn, họ chọn cách "phượt" xa khỏi thành phố để chụp với những địa danh nổi tiếng, lựa phong cách ăn mặc không giống ai, họ lên concept thật độc để không đụng hàng. Họ làm tôi ghen tị thực sự. Bởi chắc chắn là công sức và tiền của bỏ ra cho một bộ ảnh như thế khiến nó đáng ra có thể mở được triển lãm chứ không chỉ đơn thuần để làm kỉ niệm yêu đương gối đầu giường hay nơi góc tủ. Thế mà lại cũng có trường hợp lầm lẫn (cố tình nhầm lẫn !?) giữa ảnh cưới và "tác phẩm nghệ thuật gây sốc", nên cứ cố đua bám theo sự "độc lạ" mà mạnh tay chi tiêu. Tôi chưa biết có giải thưởng hay chứng nhận gì cho một pô ảnh như thế không, nhưng những cánh đồng hoa cải bị giẫm nát bét, tam giác mạch bị ngắt phá sau mỗi đợt "càn quét" của tân lang tân nương, những bức ảnh nude riêng tư phát tán đầy trên mạng, chính ra đã là gây sốc lắm rồi. 


Tôi khẳng định lại thêm một lần nữa rằng, tôi ủng hộ ảnh cưới. Nó giống như lưu bút, như nhật ký, như bưu thiếp...ra đời để ghi lại kỉ niệm, để nhắc nhớ quãng đường đi qua của mỗi ai, nó "nhớ" giùm chúng ta quá khứ mà nếu chẳng may vì cuộc sống thác lũ đã làm quên đi mất. Nhưng ảnh cưới lại không làm nên cả đám cưới, đám cưới chẳng làm nên hạnh phúc lứa đôi, trong khi có hạnh phúc nào hơn cả bằng hình ảnh của người này được ngời sáng, khắc sâu trong mắt trong tim của người kia. Mỗi cặp đôi có cho riêng nhau một câu chuyện kể, và kết hôn chỉ là trang thứ nhất của cuốn sách; bức ảnh cưới là lời tựa đầu - không thiếu được nhưng không thể nào dập khuôn, không thể nào khuếch đại, và không lẽ nào phơi bày hết được nội dung của câu chuyện mà chẳng cần lật giở, nghiền ngẫm từng trang.

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Chút rùng mình khi đến với nhà thờ đá hoang sơ Ba Vì

Theo DEPPLUS.VN

Với những ai yêu thiên nhiên và ưa khám phá nhưng thời gian eo hẹp, một chuyến đi đến Vườn Quốc gia Ba Vì đủ thỏa đam mê cho những ngày nghỉ ngắn ngủi. Tại đây, bạn sẽ bị thu hút ngay bởi những con đường bạt ngàn màu xanh, quanh co nhưng đầy dễ chịu, khu di tích rêu phong và ngôi nhà thờ đổ hoang phế kích thích sự tò mò. Quan trọng hơn, tất cả chỉ cách Hà Nội hơn 50km.

Như thể được áp thêm một lá phổi xanh, tôi bị cánh rừng "thu phục" bằng những rễ cây cổ thụ, những mặt nước hiền hòa, mát lành ngay khi tới đây lần đầu. Và cứ thế, tôi tới thăm cánh rừng này mỗi hai tháng 1 lần, gần như đều đặn.

Khúc quanh co giữa rừng 

Khu rừng thay đổi màu sắc theo mùa. Mùa xuân điểm trang rực rỡ bằng đào và mai dại, trong khi mùa hè rừng rậm ngàn lớp lớp lá rừng như đan thành mắt rổ, chỉ để lọt những tia nắng mảnh dẻ xuống thảm lá rụng dưới chân. Mùa thu áo khoác màu vàng, mùa đông tuy hơi lạnh nhưng thời tiết khô lại khiến việc đi rừng thêm thú vị hơn..




Di tích hoang phế còn sót lại

Nằm ở giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, Ba Vì được nhắc đến trong truyền thuyết cổ xưa của Tản Viên Thiên Chúa, và được cho là nơi an nghỉ cuối cùng của ông. Từ những năm 40 của thế kỉ trước, người Pháp đã chọn nơi đây để xây dựng những khu cứ điểm, nghỉ dưỡng cho binh lính. Một tài liệu Pháp có niên đại từ năm 1930 đề cập đến việc Pháp lên kế hoạch để xây dựng ba khu nghỉ ở các độ cao 400, 600 và 1000m so với mực nước biển. Từ năm 1932 đến năm 1944, họ đã xây dựng các cơ sở vật chất khác nhau như ký túc xá, sân chơi, nhà thờ, trại trẻ mồ côi và tầng hầm mà ngày nay ta vẫn còn thấy được trong khu di tích. Một nhà tù cũng được xây dựng vào những năm 1930 có sức chứa lên đến 200 tù nhân, hiện nay còn trưng bày những dụng cụ sử dụng để tra tấn. Ông Tân (Nguyễn Xuân Tân, một hướng dẫn viên) chia sẻ "Không có nhiều tài liệu về các di tích Pháp có sẵn", Ông Tân kể. "Ban quản lý đang cố gắng để thu thập các tư liệu, lời kể của những người còn sống vào thời gian đó để cung cấp cho du khách hình ảnh cùng thông tin rõ ràng hơn."



 
 Khu rừng thay màu lá mỗi mùa

Đặc biệt nhất quần thể chính là nhà thờ đá. Nhà thờ nằm ở độ cao 800 m, giữa tán rừng già cổ thụ. Bị bỏ hoang đã nhiều năm, phần mái của nhà thờ không còn nữa, trơ trọi giáo đường âm u giữa cây lá um tùm. Trên bức vách, dấu thập tự phủ một màu hoài cổ, hắt tia nắng chiều bàng bạc qua ô cửa sổ. Ở đây, sương lúc nào cũng lẩn khuất, thỉnh thoảng sà xuống bao trùm lấy ngôi thánh đường. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian huyền ảo.Tuy đã đổ nát do thời cuộc và thời gia, phong rêu phủ kín, nhưng nét hoang sơ và những gì còn sót lại tại đây mang đậm dư vị của kiến trúc Pháp cổ, càng làm kích thích tò mò của nhũng người trẻ tuổi như tôi. Nhiều nhóm nhiếp ảnh đã tới đây, cắm trại ngủ qua 2 ngày cuối tuần để thử cảm giác sống trong rừng, và săn những pô ảnh "RAY" độc nhất vô nhị. Một vài đôi bạn còn lựa chọn nơi đây để chụp cho mình bộ ảnh cưới lạ mắt, độc đáo.



 
 Vẻ hoang sơ rêu phòng của phế tích luôn làm du khách tò mò thích thú xen lẫn rùng mình

Và đang bị tàn phá bởi ý thức

Khác với Fansipang, Y Tý,...đường trekking lên núi Tản thăm nhà thờ đổ và ngắm những dải mây lẩn khuất giữa núi rừng hùng vĩ không mấy khó khăn. Nên nơi đây ngày càng đón nhiều lợt khách thăm hơn. Một sự thật hơi buồn là dạo gần đây tôi đã thấy xuất hiện quá nhiều rác của khách du lịch bỏ lại. Ngày 23/11 vừa qua, nhóm Facebook "Những người thích đi du lịch" đã có buổi offline thú vị tại đây, đồng thời cùng nhau thực hiện một việc làm rất ý nghĩa: dọn rác tại nhà thờ đổ. Nhóm muốn truyền tải đến các du khách mong muốn kêu gọi nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, môi sinh của rừng và điểm du lịch.

Nhóm Những người đi du lịch cùng hoạt động ý nghĩa 

Ba Vì nhìn ra chung quanh, sừng sững như gã khổng lồ giữa bao la của đồng cỏ, lúa vàng và con sông Đà uốn khúc qua những ngọn đồi nhấp nhô. Đến đây rồi, tôi tin ai cũng sẽ hít một hơi giữa căng tràn sương, "thở phào" vì biết những điều kì diệu của thiên nhiên bao la vẫn còn ở gần gụi phố sá thị thành đến như thế.

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

[[Depplus.vn] - Cổ tích là để vượt qua

Theo DEPPLUS.VN

Tôi, giống bao nhiêu phụ nữ khác, tôi đã khóc khi chị ấy và anh ấy kết hôn, ảnh cưới của họ tràn ngập trên báo mạng.

Sẽ là rất bình thường nếu một người vì kém may mắn mà mang một căn bệnh hiểm nghèo hay một nỗi khiếm khuyết trên cơ thể tự ti với chính mình, nhất là họ mang thân phụ nữ. Thế nên tôi thừa nhận rằng mình hoặc thậm chí nhiều người sẽ không "giàu trắc ẩn" đến mức luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy người thiệt thòi nào đó nhận được niềm an ủi, chỉ cho đến khi chị ấy lên xe hoa cùng người chồng hết lòng yêu thương. Mọi người, cả tôi nữa, hình như ồ lên "Cổ tích quá!".



Tôi không mang trên mình nỗi đau của Châu Loan, và đa số những người đã trầm trồ, có một sự thật hầu hết là phụ nữ. Tôi mường tượng ra rằng, nỗi xúc động phản ánh (hoặc là chạm đến) nhiều mong muốn. Các bạn hiểu ý tôi không? Giống như trường hợp của mẹ tôi, bà khóc ngay giữa bữa cơm trưa khi vì một "nhà vô địch" Đường lên đỉnh Olympia đang cười toe nhận vòng nguyệt quế. Căn nguyên cũng tại mẹ muốn tôi được như vậy. Trở lại chuyện khi nãy, căn nguyên cũng tại tôi (phụ nữ chúng tôi?!) vốn đã có trong mình đầy rẫy những khao khát hạnh phúc, bên cạnh đầy rẫy tủi thân. Chúng tôi ước gì người yêu mình sẽ ân cần như anh Vượng, ước gì chồng mình hi sinh như anh Vượng, ước gì mình-được-như-cô-ấy (!); mà ngày ngày ra đường ngó quanh chỉ thấy đàn bà than thân tố khổ kể tội đàn ông, về nhà đọc báo mạng lại cũng toàn chồng phụ bạc vợ, bạn trai tẩm xăng đốt người tình. Sự tủi phận cứ như thể lúc nào cũng giấu sẵn trong người. Cho nên khi nhìn thấy anh Vượng vì tình yêu mà đem đến cho Châu Loan một "happy ending" chân thành và hết sức bình thường như của bao người đàn bà khác, tôi cảm thấy như đám cưới ấy thuyết phục quá, đến mức có thể mừng thay cho Loan và cô ấy như trở thành chút gì đó hình tượng mang tính an ủi chính tôi, an ủi phụ nữ.

Trước đây tôi cứ hỏi tại sao đàn bà thích được xem thật nhiều phim Hàn, thứ phim lãng mạn ngôn tình đến sến sẩm và cực kì thiếu thực tế. Bởi vì đâu đó trong mỗi chúng tôi có một chút tự ti gây nên có một nỗi sợ hãi hiện thực, sống đối phó với các biến cố và thói quen tìm sự bình yên trong những an toàn giả tưởng hoặc những hạnh phúc không thuộc về mình. Bây giờ chính là lúc cao trào của "Cổ tích" đây, những tưởng là "ending" trong "happy" rồi, thế mà Loan lại đau thêm một lần nữa, tôi lại khóc thêm một lần nữa. Lần này thì tôi tin, đúng thực những giọt nước mắt của thứ cảm thông lớn hơn cái chạnh lòng đàn bà khi trước, một cái gì đấy giống như nỗi trắc ẩn con người mà không đơn thuần là trách móc số phận. Những sắp đặt của số phận thì vẫn khó lường và hàm chứa nhiều khổ đau, chúng ta điều biết thế, tôi cũng biết thế, vẽ ra cổ tích rồi lại bày ra bi kịch. Tôi chẳng định bắt đầu cho những lời chia sẻ kiểu như "Cuộc đời ai cũng có biến cố, không lớn thì nhỏ, chúng ta phải bla bla...". Không, lố quá! Lâu rồi tôi không còn xem phim Hàn nữa, tôi cho rằng bản thân ai cũng có trong mình câu chuyện, và người phụ nữ tiềm ẩn sức bật mạnh mẽ lắm. Cho nên tôi tin Loan có khả năng vượt qua lớn hơn nhiều lần những lời sáo rỗng ấy.

Tôi mong chờ cái ngày chị ấy vơi bớt nỗi đau mất mát, chị đứng dậy bình thản từ chính vực thẳm trong miền cổ tích đời mình, tôi (và cả phụ nữ chúng tôi) lại được mỉm cười hạnh phúc trước hạnh phúc của chị ấy - không dừng lại ở việc chị ấy sẽ có một người chồng ân cần như nỗi ước ao thuần túy đàn bà, mà chính ngay ở nụ cười chiến thắng số phận làm rung động trái tim con người.



Ôi phụ nữ ơi, những con người hay tủi thân và mau nước mắt! Tôi tha thiết mong rằng chúng tôi sẽ chẳng mãi ngồi đấy khóc cười với những đố kị và bất lực. Bởi chúng ta đang sống với thực tại mà, nên nếu có những thước phim đẹp, tôi chỉ mong người ta đừng chuẩn hóa thành "cổ tích", mà hãy cố gắng đưa được nó lồng vào câu truyện cuộc đời để vượt qua hết thăng trầm trong kiếp sống.

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - 'Họa mi hót trong vườn'


Một ngày giữa bao ngày, bạn thức dậy tất tả xách giỏ đi chợ chuẩn bị điểm tâm cho gia đình, hay vươn vai ngáp dài hô quyết tâm chạy bộ 2 vòng hồ để vòng 2 bớt đi nửa xen-ti-mét, nói tóm lại là bằng một cách ngẫu nhiên nào đó, ngày hôm ấy bạn đã ra đường rất sớm. Bạn bất ngờ trước con đường còn thưa vắng người qua, từng quầng trắng sáng bừng trong những gánh hàng rong, kĩu kịt lấp loáng dưới bình minh còn đọng.

Những khóm họa mi "bay" xuống phố, ngời ngời mắt cười như cái tên "húy" Daisy (Day's eyes) yêu kiều. Nhưng trong tôi ngờ ngợ ra chút gì khang khác, tôi tự hỏi có phải cái đẹp khôi nguyên của màu hoa đang như bật hẳn lên bởi chính những người phụ nữ nâng niu chăm sóc chúng mỗi ngày.



Cúc họa mi là bông hoa của mùa đông lạnh lẽo, để chăm chút mất đến mấy tháng trời trông gió trông sương. Chị Quyên (một người trồng hoa và bán cúc họa mi trên đê Yên Phụ) lẹ tay tưới nước giữ ẩm cho gánh hoa của mình, vui vẻ kể: "Vất, em ạ. Vì luống ít, nhà chị chủ yếu trồng xen dưới các gốc đào Nhật Tân gọi là kiếm chút tiền trong lúc chờ mùa Tết thôi. Chưa kể hoa này nó mềm dễ gãy nên phải đan lồng buộc dây, từ lúc hái được đến khi tàn chắc được 3 tuần, năm nào thời tiết không ủng hộ thì thiệt to; thôi thì cũng thấy nó xinh xinh, nuôi, coi như gọi là lấy công làm lãi". 

Buộc dây, đan rào giữ cho cây cúc non khỏi đổ.

Bàn tay chăm bón, tưới tắm cho hoa mỗi ngày





Những người phụ nữ đang cắt cành, xếp bó.
Từng ôm lớn cúc sẽ chất đầy theo xe xuống chợ hoa mỗi sáng tinh mơ.

Chợ Quảng An 3 giờ sáng, những chủ vườn buôn hoa đổ về, từng xe thồ lớn. Trong lúc những người đàn ông sau khi chở vợ đến đang cùng nhau ngồi ăn sáng hỏi han câu chuyện, những người vợ đã săm sắm bốc xếp. Họ đứng trực tại đây để giao hoa cho các gánh rong đến khi mặt trời ló rạng hẳn mới quay về. Tôi nhìn theo đôi tay đeo găng chiếc rách chiếc lành, thoăn thoắt tách cành chia bó. Cùng là bàn tay người phụ nữ nhưng thô ráp và đen sạm nhiều. 

Có lẽ với những người phụ nữ làng hoa quanh năm vẫn vất vả thì loài hoa này hay giống cây khác cũng đều mang một nỗi quan tâm như nhau, nhưng bởi giữa mùa đông rét mướt thế mà cúc họa mi mảnh khảnh vẫn cứ xuống phố hồn nhiên, nên khoảnh khắc những người phụ nữ ấy rực rỡ lên trong mắt tôi mà họ không hay biết, chỉ nở nụ cười rạng ngời với từng ôm hoa lớn trong vòng tay, chất lên những chiếc xe đạp rong ruổi âm thầm mang niềm vui giản dị đến bao nhiêu người phụ nữ khác trong thành phố.




Ơi này cúc họa mi, nghe tên sao mà đã thấy véo von, ùa ngợp phố sá; nhưng những "đóm mắt ban mai" có biết đây-kia, bên xe hoa vun đầy từng khóm bông trắng muốt, dưới vành nón sờn rách là nụ cười của những con họa mi chỉ biết cặm cụi trong vườn khuya, lo toan mưu sinh đêm ngày. 




Ảnh: Cao Anh Tuấn, Hoa Quỳnh, Internet.

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Ăn miếng gỏi nhớ hỏi "sầu đâu?"


Tôi ở lại An Giang khi cả miền Tây đang vào mùa lênh đênh nước nổi, ăn miếng gỏi sầu đâu nghe đắng chát ngọt ngào hòa chung một vị.

Dì Năm Hóa (sau này tôi thường quen chỉ gọi dì Năm) ở đơn thân, cũng duyên số trời cho tôi gặp được dì để ở nhờ suốt chuyến công tác 3 ngày. Bến sông Dinh nơi căn nhà của người đàn bà sang tuổi lục tuần, thấp thoáng những bóng sầu đâu lặng lẽ, trắng lốm đốm từng chùm hoa mong manh, lá cớm đông lưa thưa xoắn xít. 

Thời gian ngắn ngủi đánh tan giấc mơ của anh em đồng nghiệp gửi gắm vào tôi: "tiện công tác phải chu du khắp vùng ăn cho bằng no, thăm cho bằng chán", bởi cố gắng lắm đến tận chiều ngày cuối cùng tôi mới được ngơi tay dời công việc. Nhưng chuyến "chu du" lại thành ra tròn vẹn quanh mâm gỏi cá sặt sầu đâu chính tay dì Năm thết đãi.


Những ngọn sầu đâu non. Ảnh: Internet 

Dì chỉ tôi hái nhánh sầu đâu non sau nhà, trong lúc chờ dì bước thấp bước cao lên phà sang chợ mua mớ khô cá sặc. Bên bến kia sông, cả ngôi làng từng nát tươm dưới bom rơi đạn nổ, nát tươm cả mối tình chờ đợi dài đằng đẵng của dì, nay đã mọc lên hàng dãy nhà cửa quán sá nhộn nhịp. Từ bên này nhìn sang thấy sông Dinh rầm rộ xây bờ kè bê tông cốt thép lở đất, người ta cũng luôn tiện lập thành tích mừng thị trấn lên thị xã trong năm sau.

Khô cá sặc. Ảnh: Internet 

Món gỏi nghe tên tưởng dân dã giản đơn mà thấy dì cứ luôn tay, khi lựa tôm khô lúc bào dưa chuột, tay xé cá sặc tay chần lá tươi. Nguyên liệu chẳng khó kiếm gì, toàn những thức đang mùa sẵn có, tất cả trộn với mắm me. Mắm me cũng rõ kì công, dì dạy tôi từng chút, nào giã tỏi ớt rồi thêm nước đun lên, dầm me vắt me lấy nước chua vừa phải, lại nêm thêm chút đường và ít mắm đặc sản Chánh Hương, đun lăn tăn đến khi hơi sánh lại. Dì vừa làm miệng vừa kể chuyện, năm xưa hai bên bờ sông đầy rẫy sầu đâu mướt hoa trĩu trái, bến sông làm nơi hò hẹn trai gái luôn. Cây lá như thay lòng người, dù "sầu đâu" ít hay nhiều, gặp nhau dưới bóng cây, ăn cùng nhau cọng lá chát, nuốt vào rồi mới biết cuối cuống họng có vị ngọt thanh. Dì dặn tôi rằng, người làm gỏi ngon không bao giờ để những phụ gia tôm thịt hay gia vị muối đường át mất cái đắng cái ngọt thuần túy của đọt lá sầu đâu.


Nhìn đĩa gỏi bày ra, chẳng ai nghĩ nó lại là thức vị vốn dĩ ân cần với người dân miền Tây đến vậy. Cứ đầu đông đến cuối tháng Hai Âm, người quanh vùng ngồi "nhậu" chút xíu cùng nhau bên đĩa gỏi làm từ cây lá vườn nhà, nhấp ngụm rượu trắng rồi ngâm nga đôi ba câu vọng cổ. "Chẳng phải vì hoài thương hay cái chi hết, chỉ bởi nghe cái tên đã thấy xuyến xao quá xá rồi đó bây, ăn miếng gỏi nhớ hỏi "sầu đâu?", hiểu hôn?". Dì cười cười nhìn sang sông, rìa bên ấy, những hàng sầu đâu nơi dì và mối tình sâu nặng tuổi xuân xanh đã bị chiến tranh xóa dấu.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Chuyện về 'cây nến đầu tiên' của tôi!


Càng gần ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi lại thấy có biết bao nỗi LO TOAN hiển hiện rõ trên gương mặt của những vị phụ huynh. Bà mẹ vội vã mua bó hoa tươi, tất tả sắm món quà cho giáo viên của con, ông bố luống cuống sắp xếp ca làm để xin về sớm đưa con sang cô thầy. Tôi chạnh lòng muốn kể lại câu chuyện cũ.

Năm tôi học cấp 2, tuy gia đình không khá giả gì nhưng bố mẹ luôn nhất quyết muốn tôi trau dồi thêm các môn Tự nhiên vì ý định hướng tôi thi Đại học khối A, mà tôi thì chẳng khá nổi bật môn nào trong số mấy môn Toán Lý Hóa; bố mẹ "sẵn sàng" chi viện miễn sao học hành bằng bạn bằng bè. 

Tôi theo bạn đến học thử một lớp Toán cách nhà chừng 2 cây số - lớp thầy Bình. Thầy là người gốc Huế, ngoài 50 tuổi, giáo viên "không biên chế"; cuộc đời là một chuỗi những biến cố để bám trụ với cuộc sống và nghề-bán-chữ, từ sinh viên xuất sắc trường chuyên của Sài gòn, vào đại học, đi thanh niên xung phong, hết nghĩa vụ trở về dạy, chuyển công tác và tha hương ra Bắc lập gia đình, trường giải thể phải xoay sở làm công nhân mất mấy năm mới xây được căn nhà, mở lại lớp. Đường tới thầy Bình phải đi lòng vòng và băng qua ray tàu hỏa. "Phòng học" là cái sân rộng chừng 15m2 ngay trước gian nhà con con, thầy xây tường lửng cao nửa mét bao xung quanh, 4 trụ và lợp mái những tấm fibro xi măng. Ngoài mảnh sân ấy là vườn cây trúc trĩu quả, nào khế nào na nào cam quýt. Rìa chân tường bao quanh "lớp học", thầy còn trồng từng khóm tóc tiên thành những đường cong nhịp nhịp như cầu Trường Tiền. Tôi thích lớp học đó ngay, và không chần chừ khi thầy hỏi "Học lớp thầy có sợ các cô trên trường không hài lòng chứ?" bằng giọng quả quyết "Em không!".


Đó là cái lớp học kì quặc mà tôi từng trải qua. Bàn ghế gỗ sơ sài dăm bảy bộ thầy tự bào tự đóng. Cái bảng chính là một bức tường láng xi quét sơn đen thầy tự làm. Ngay cả chiếc compa có chân cắm vào bảng mỗi khi vẽ vòng tròn thầy cũng tự chế luôn. Ở lớp học đó, không có một luật lệ hay nguyên tắc nào quá khắt khe về tư thế và kính ngữ. Sau mỗi bài tập, đứa nào làm xong cứ điềm nhiên lên bảng viết cách giải của mình, hoặc có ý kiến có thể ngồi yên, giơ tay ra hiệu phát biểu và truyền đạt lý lẽ với đủ các phong thái biểu cảm. Sẽ luôn luôn có phần thưởng của thầy cho mỗi lần "xung phong" như thế: khi là chùm nhãn, lúc cái bánh chưng. Ở lớp học đó, giờ giải lao, thầy để sẵn vài viên phấn màu; chúng tôi lên bảng vẽ vời, kẻ ô chơi cờ caro, thậm chí cùng thầy thi làm thơ. Có hôm, chúng tôi leo lên cây hái khế trong lúc đợi thầy ăn vội bát cơm trưa muộn màng trước tiết học. Ở lớp học đó, thầy kể cho chúng tôi những buổi sinh hoạt Đoàn của sinh viên Sài Gòn nam thanh nữ tú cùng nhảy điệu "cha cha cha"; rồi thầy kể tháng ngày trong quân ngũ, những rừng cây con suối bản làng bộ đội đóng quân, "khoe" với chúng tôi cả tập thơ tình của thời trai trẻ bằng đầy nỗi xúc động, tất cả viết tay. Thầy dạy Toán của tôi đặc biệt viết chữ rất đẹp, yêu nhạc Trịnh và thương nhớ Huế nặng sâu, da diết.

Ở lớp học đó, tôi có cho mình nhiều hơn cả những lời giải của phương trình vài ẩn số.

Hai mươi tháng mười một năm hai ngàn lẻ bảy, đó là ngày tôi lựa được trên cây ớt nhà mình một trái đỏ tươi, tôi cho là đẹp nhất - giống ớt có vị cay nồng mà thầy tôi cực thích - tôi bỏ vào một chiếc hộp nhỏ tí và hăm hở đạp xe 2 cây số; sau khi lục khắp túi áo quần chỉ còn 5000đ đủ để mua một cây viết nhũ, ít giấy màu để làm một chiếc thiệp. Thầy tôi hôm đó ốm, nhưng ông vui vẻ đón nhận món quà nhân ngày Nhà giáo của tôi, kẹp chiếc thiệp của tôi trong cuốn lưu bút, đoạn, lấy dao tách quả và gieo hạt ớt cẩn trọng trong mảnh đất vườn. Một ngày sau bao nhiêu ngày sau đó tôi không nhớ rõ, thầy gọi cả đám học trò ở lại ăn cơm cùng, trong mâm có những quả ớt chín đầu tiên hái trên cái cây nảy từ trái ớt tôi tặng. 

Có thể chủ định của thầy không phải dạy dỗ gì tôi, nhưng sau này ngẫm lại, tôi coi từng hành động của thầy như một cách ẩn dụ nào đấy, và tự hiểu rằng mình đã nhận được bài học về sự cho-nhận, san sẻ tình thầy trò đầy bình dị và thương mến. 


Rồi lại đến sau này nữa, tôi nhủ rằng, dù cuộc sống đã gấp gáp lên rất nhiều lần so với cái ngày tôi hồn nhiên dâng tặng thầy tôi trái ớt đỏ, nhưng không có nghĩa "tôn sư trọng đạo" đã đổi thay, bởi vì đó là chữ "nghĩa" đời nào cũng trọng; và hành vi của trẻ nhỏ là phản ảnh thái độ, hành xử từ người lớn. Ngày đầu tiên Thanh Tịnh đi học, cái sự biến chuyển lớn tự trong lòng khiến chung quanh thân quen trở lên thay đổi, đó là cảm nhận vô cùng tinh tế. Sự biến chuyển từ ngày đầu tiên tôi bước chân vào lớp thầy Bình chính ở sự chăm chút đầy nhân ái tới từng khóm hoa mầm lá, tới từng món đồ vật trong không gian học đường riêng tây của đời mình. Thậm chí thầy làm tôi tin từ mảnh vườn tóc tiên mộng mơ ấy, thầy sẽ nuôi giùm chúng tôi mỗi đứa một ngọn lửa đỏ của tình yêu đại đồng - điều cơ bản để bay đi mạnh khỏe và sống hiền hòa với thế giới.


Nhắc về ngọn lửa, tôi cũng có nghe lâu rồi một hình ảnh ví von đẹp lắm, rằng "người ta không quẹt diêm 10 lần để châm mười cây nến, mà sẽ lấy ngọn lửa từ cây đầu tiên để thắp sáng 9 cây kia. Cái cây nến đầu tiên chính như người thầy trên cuộc đời tỏa sáng của bao cây nến khác.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Ốc ơi là Ốc ơi!


Tôi có một tình yêu và "dây tơ duyên" kì lạ với ốc luộc. Cách đây mười lăm, mười sáu năm, hồi tôi còn bé tí teo buộc tóc hai ngoe ngắn củn. Bà Bình, già yếu ở góc chợ quê, gánh hai gánh ốc đến ngồi cạnh hàng của bà ngoại tôi. 

Bà ngoại tôi, con gái lớn một thầy đồ nổi tiếng ở huyện, lớn lên, lập gia đình, trở thành chủ một sạp hàng khô ở chợ. Ông tôi ngày còn trẻ đi lính ở chiến trường Điện Biên, sau này lấy bà thì ra ngoài chòi canh ở ven đê, trồng cây, nuôi cá. Những đứa trẻ như tôi, và anh D (anh trai lớn con bác họ), về quê là được ông bà dắt ra chợ chơi, đi ăn phở, chiều vào vườn ông vặt vải hoặc chơi với gà con, rồi tất cả về qua ngồi quanh bà Bình, ăn ốc! 


Hồi đó, mỗi bát ốc to chỉ có 500 đồng một bát, nên có bận mình tôi ăn hết tận 3000, khiến bà và mẹ mặt tái mét, sợ sẽ bội thực. Mặt tôi vẫn tỉnh bơ: “Con ăn hết có ba nghìn mà, rẻ hơn tiền phở năm nghìn ăn sáng”. Ngày đó con ốc to, thơm đậm, vỏ nhẵn, mắm ngon, nước ốc luộc thanh mát, cho thêm chút quất vào thì miễn chê!. Mắm bà Bình pha có một điều kì diệu nào đó khiến chúng tôi, có đứa uống ừng ực mà mặt vẫn toe toe. Bà pha mắm sẵn ở nhà, chỉ gồm nước mắm đường và chút tỏi giã. Còn gừng, sả, rau thơm, ớt tươi bà đều giã riêng, để riêng ra từng lọ. Cái gai khêu ốc từ hồi đấy đã là mảnh nhôm cắt vát hình tam giác, trước khi ăn đều được bà châm vào quả quất cho sạch sẽ.

Cái quang gánh bé xíu mà có nồi ốc to đùng, nóng ấm nguyên xi. Tôi, dù ăn sớm, hay muộn, đều có ốc ngon, nước ốc nóng hổi xì xà xì xụp cả. Sau rồi bà có thêm cả dưa chuột, củ đậu để ăn kèm với ốc. Bà Bình đã già nên không còn dùng quang gánh để mang nồi ốc nữa, bà có bàn ghế riêng, nhờ con cháu xếp dỡ hộ. Bà chuyển ốc sang cái thùng đựng đá bằng xốp, múc ốc bằng cái muôi to, có lỗ để không phải nghiêng nồi gạn nước như ngày xưa. Nhưng ốc vẫn có sả, vẫn lá chanh, vẫn có cái vị ngọt đầy đủ nguyên vẹn. Bát ốc từ năm trăm đồng giờ chuyển thành đĩa ốc mười ngàn đồng, và mỗi lần tăng giá, bà đều từ tốn nói trước khi tôi định sà xuống: “Này, hôm nay ốc lại tăng giá, bà tăng thêm một tí đấy, ăn vừa thôi kẻo không đủ tiền ngoại với mẹ cho”.


Ông tôi mất trước khi tôi tốt nghiệp cấp 3 đúng hai tuần. Làm lễ cúng 7 ngày cho ông xong, tôi đứng trước bàn thờ xin phép ông ăn ốc. Ra đến chỗ bà Bình, tự dưng bao nhiêu nước mắt để dành 7 ngày làm ma cho ông cứ thế mà trào ra không kìm nổi. Bà Bình chẳng nói gì, bảo ăn ít và ăn chậm thôi, kẻo nghẹn. Ôi cái đứa trẻ 17 tuổi, ngồi khóc giữa hàng ốc luộc ở chợ, được một bà già tuổi bảy mươi vỗ vai động viên, còn lấy cả nón lá rách để quạt mát, cái khung cảnh thật lạ lùng! 

Những lần về quê, ngoài ăn ốc, tôi cũng chú ý hơn đến giọng nói, đến sự gù lưng, và cái run tay của bà Bình. Giờ thì tôi gần như đã làm việc cố định ở tận Hà Nội, và bà Bình cũng không bán ốc luộc nữa. Cô Tâm, con gái bà, bán thay. Chai mắm không còn lắng vỏ tỏi thơm phía dưới, gừng giã rối tay hơn, may là ớt tươi vẫn còn, và cái gai khều ốc hình tam giác vẫn được cẩn thận ngâm vào cốc nước sạch, để chúng tôi mỗi lần bắt đầu ăn, xiên xiên vào quả quất cho sạch hơn…

Tất nhiên, những khi chúng tôi ăn ốc, bà ngoại tôi lại ngồi ở hàng bên, tủm tỉm cười rồi nói với những hàng bên cạnh: “Tôi cũng hay thèm cái thứ này, nhà tôi lẫn đám con gái tôi đều thế, giờ lại đến lũ trẻ con”.

Ở quê, gia đình tôi về cơ bản là hạnh phúc, ấm êm, thật ra cũng có bao dòng nước mắt chảy vào trong. (Nhà ai chẳng vậy thôi, nhỉ?). Ví như mẹ và bà không hợp nhau lắm. Rồi thì tôi và mẹ cũng vậy. Thế mà vẫn lộ ra một điểm chung nhất: Ôi Ốc ơi là Ốc ơi!!!

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Nhớ tiếng reng reng


Cái gì cũng chỉ có một thời. Tôi cho rằng câu đó tuyệt đối đúng nếu "cái" thực sự chỉ là cái, nghĩa là thứ hiện hữu bằng hình thù rõ ràng; và vẫn đúng với một lượng lớn các nhân tố bóng bẩy hoặc vô hình khác, như là cảm giác, suy nghĩ, khái niệm...

Tôi sống từ nhỏ ở một thị trấn lam lũ của vùng than. Bố mẹ tôi lắp chiếc điện thoại gia đình đầu tiên năm hai-không-không-bốn; khi đó Hà Nội đã tràn ngập những chiếc cellphone nắp trượt cho nam doanh nhân hay nắp mở cho các bà các cô thích làm điệu; còn trên thế giới, Motorola đã đánh dấu cho sự ra đời của điện thoại di động từ những năm 1973 . Tôi không biết điều đó, vì chúng tôi ở quá xa thủ đô, cả trên phương diện này hay khác, và vì với niềm ao ước được sờ vào một chiếc điện thoại từ lâu của một đứa nhà nghèo, tôi còn đang mải sung sướng rằng từ giờ tôi có thể nhấc máy lên mà trò chuyện với bạn bè tíu tít, như trong những bộ phim truyền hình thường được xem.


Tôi hoan hỉ về chiếc điện thoại bàn như thể chào đón một thành viên mới dễ thương của gia đình. Tôi tự tay làm một cuốn danh bạ riêng và chạy khắp nơi để ghi chép số gia đình của các bạn trong lớp, dù có những đứa chắc thêm vài chục năm nữa cũng chẳng biết có nói với nhau được lần nào hay không. Cuốn danh bạ lúc nào cũng nằm trong cặp sách rồi, tôi còn thích ghi nhớ những con số ấy trong đầu, để khi cần tôi sẽ nhấc ống nghe lên mà bấm một mạch như thể tôi có bộ não sinh ra để dành cho những con số.


Tôi nhớ như in cú điện thoại, chắc là vỏn vẹn có 1 phút, của cậu bạn học chung lớp 10. Lâm, cậu ấy, gọi tôi, sau 8 tháng kể từ ngày chúng tôi biết nhau tên gì (mà chưa biết ở đâu), để mời tôi tới buổi tiệc chia tay cậu ấy đi du học Mỹ. Tôi tuy đã không thể tới để chào tạm biệt, nhưng có gì đó vui vui khi sau này biết rằng, nếu tôi tới, tôi sẽ là đứa-con-gái-lạ-mặt-duy-nhất được mời giữa toàn bạn thân của Lâm trong party đó. Chẳng biết có phải vì nỗi vui vui giản dị và chẳng liên quan lắm ấy không, mà bỗng nhiên từ đó tôi thấy hồi hộp mỗi lần nghe chuông "reng reng" đổ, tôi thích làm người chào câu tạm biệt và thích cả tiếng "khục" khi đầu dây bên kia cúp máy.


Thế nhưng chỉ nửa năm sau khi Lâm đi, những chiếc di động cũng đã tới được thị trấn tôi. Chúng nhỏ nhắn, nằm "run rẩy" vụng trộm trong túi áo túi quần của các cô cậu học trò trong mỗi giờ lên lớp. Lũ chúng tôi cuối cấp, đi học thêm tối ngày để chuẩn bị cho tốt nghiệp và thi Đại học. Cellphone có ngay "đất dụng võ": để gọi cho người thân đến đón khi tan lớp học khuya, để nhắn tin xin phép thầy cô nghỉ giờ thêm Văn vì trùng giờ thêm Hóa, để chụp những bức hình nhí nhắng của mùa phượng cuối cùng giữa những tiết ra chơi. Nói chung, chúng tôi, lại thay vì chép tay số điện thoại bàn, thì xin nhau số di động để lưu vào máy. Điện thoại bàn biến mất một cách lặng thầm cho đến mãi đến một năm nào ấy sau đó, tôi học Đại học ở Hà Nội và được về thăm gia đình dịp nghỉ lễ, tôi bất chợt nhận ra vắng bóng điện thoại bàn, biết bố mẹ đã cắt dịch vụ từ lâu, tôi bỡ ngỡ đến thảng thốt.


Mới hôm nọ cô bạn thân gọi điện mắng xối xả, hỏi đi đâu mà không bắt máy, tôi nói tôi đi chơi và để quên di động ở nhà. Nó lại mắng vậy tại sao không gọi nhờ, tôi trả lời vì tôi không nhớ số. Ừ lại thế nữa, bây giờ tôi thậm chí còn chẳng kịp nhìn những con số trong danh bạ chứ nói gì đến nhớ. Dãy số duy nhất tôi còn nhớ là số điện thoại bàn nhà cô bạn tôi, thì bố mẹ nó cũng đã ngừng sử dụng từ bao giờ. 


Điện thoại di động chẳng có tội tình gì, nhưng tôi cứ cảm giác như mình mắc lỗi lầm gì đó trong sự im tiếng ngậm ngùi của chiếc điện thoại bàn. Tôi biết cuộc sống cứ chảy trôi mãi nên có điều gì còn ở lại dài lâu chắc hẳn phải sắt đá lắm. Chiếc điện thoại bàn rõ ràng là không rồi. Nhưng những niềm vui một thời tôi tưởng chừng khó phai mờ biết bao thì lại nhạt màu nhanh với sự thản nhiên vô tình đến thế. Nhiều những thứ dần đi vào quá vãng trong cuộc sống công nghệ ngày thêm ồ ạt, nhưng sự ra đi của những chiếc điện thoại bàn quả thực khiến tôi nhớ, quả thực làm tôi giật mình mỗi lần bất chợt nghe thấy tiếng *reng reng* vọng ra từ căn nhà nào đó, bởi nó vốn đã từng là điều rất ồn ào lại đầy tò mò, như người bạn chạy tới cười khúc khích rồi báo một tin vui.

[Depplus.vn] - Cỗ chuột đồng


Những ngày Hà Nội đầu đông bất chợt hửng nắng, thảng hoặc có hơi khói rơm từ ngoại thành lấn vào nội đô, tôi nhớ lần bác cả điện cho bố: "Về đi bắt chuột, uống với tao". Thế là bố tôi về, còn tôi thì "bám càng" bố. Và thế là tôi được tham gia vào cuộc đi săn "nhớ đời".
  
Quê nội tôi ở Gia Lộc, Hải Dương. Từ nhà tôi lên Hà Nội học, quê nội nằm ở giữa, cách đều 2 phía. Thế nhưng không phải tôi được về luôn luôn. Bố mẹ tôi "thoát ly" ra đất mỏ từ những năm tám mươi, năm thỉnh mười thoảng dắt tôi về giỗ ông hay chúc Tết, khi đó tôi bé tí ti; sau này, thêm đôi lần tôi "liều" phóng xe máy về thăm nội. Nhưng hình như cái mệnh Thổ của tôi nó khiến cho hơi ruộng đất ăn sâu vào niềm say mê chứ không hề bị xa lạ.


Từ đêm trước, bố và bác đã ngồi bện những búi rơm dài khoảng 2 gang tay, quê tôi gọi là cái "bùi nhùi" (một vài quê khác gọi là "con cúi"), để hôm sau hun chuột. Vừa bện, hai người đàn ông vừa kể cho tôi nghe về về thời ấu thơ của họ, những ngày ổ rạ con trâu trở thành bạn bè, những ngày đói kém triền miên quanh năm chỉ biết sống bằng củ mài con chuột. 


Trời hửng nắng, bác và bố người vác cuốc người xách xô ra đồng, tôi con nít theo đuôi được bác giao cho giữ nơm và giỏ đựng. Quê nội tháng 11 đã qua vụ gặt, gốc rạ trơ xám nổi lên, ruộng trống trải làm lộ từng hốc chuột đồng to tướng quanh mép mương. Hóa ra chẳng riêng gì 3 chúng tôi, bờ thửa nhà nào cũng đã có các gia đình đi bắt chuột, cả cánh đồng mênh mông như thế mà đông vui nhộn nhịp như hội hè. Khói mảnh khảnh từ những búi rơm bay lên, chẳng mấy chốc đã tan ra, ngào ngạt.


Bố chỉ cho tôi hốc chuột, cửa hang to bằng thân chuối. Bố nói chuột ranh ma không "xây nhà" một cửa, ông dắt tôi đi xung quanh để kiếm các cửa hang phụ, rồi lấy những tấm giằng (lưới thép) găm xuống chặn cửa hang. Bác cả đã xách được vài xô nước, và đào rộng miệng hang. Bác đặt ngay cửa một cái nơm tre, rồi liên tục đổ nước vào hốc. Các cửa hang đều đã chặn, chuột tháo chạy bằng lối chính; bố mồi bùi nhùi kế khói vào miệng hang, những con chuột lì lợm cũng đành ì oạp lội ra vì sặc khói, cắm đầu thẳng vào miệng ống nơm, chỉ còn thò lên cái đuôi dài ngoằng, ngúc ngoắc. Bác cho tôi cầm đuôi chuột thả vào giỏ đựng. 


Quá trưa, tôi với lũ trẻ con cùng làng cầm giỏ lúc nhúc hai chục chú chuột đàn đi khoe nhau. Các ông bố đun nước làm lông và hun khói chuột ngay tại đồng. Từng con từng con mập như trái chuối tây, trắng nõn rồi vàng ươm. Da chuột mỏng nhưng bố thui rất khéo, không bị nứt rạn bao giờ, con nào cũng óng ả. Với hai mươi con chuột đã làm sạch thui thơm là 2 vợ chồng bác tôi đã có được một mâm cỗ đủ vị để thết đãi "thằng em" xa quê và đứa cháu ruột. 


Khi nghe tôi kể về thịt chuột, đám bạn thành phố đứa nào cũng rùng mình, nhưng chuột đồng ăn lúa ngô nên sạch sẽ, thịt thơm và dai, chứ không nhơ nhớp như chuột cống chuột chù. Các món từ chuột cũng đa dạng phong phú lắm. 

Dễ nhất là luộc, nhưng phải được luộc với nước mưa, phải được ép với lá chanh xắt sợi cho ráo bớt mỡ và đượm mùi. Miếng thịt sau khi chặt ra lại được ăn với muối chanh, dai ngọt như thịt gà.


Thịt chuột chặt miếng, một nửa ướp muối và ngũ vị hương, đảo đều cho ngấm rồi rang nhanh tay trên lửa lớn, từng miếng thịt chuột khô se có màu cánh gián phủ hạt muối mịn tinh; một nửa kia ướp sả ớt và nước mắm quê, xào liu riu nửa tiếng, thế là lại có thêm một món thơm phưng phức.


Những con béo ngậy thì bóp với giềng mẻ nấu giả cầy.


Quê nội tôi lâu đời thuần nông, nhưng đất đai không đủ mỡ màng để xen canh gối vụ, người ta chỉ biết trông vào lúa ngô là chính, lác đác có nhà trồng hoa màu rau xanh. Người làng xuất thân nghèo khó, thịt chuột trở thành miếng ngon quê nhà, không phải thứ cao lương mĩ vị nào xa xôi cả. Thịt chuột xuất hiện cả trong đám cưới, cả trong giỗ chạp, cả trong hội làng rộn rã ngoài đình.

Tôi đi qua nhiều phố ở thị thành, thấy những nơi giăng biển "đặc sản", rồi nghe cả chuyện người ta vì miếng "đặc sản" mà bắt cả chuột cống từ bãi rác bệnh viện để kinh doanh. Tôi cảm thấy chạnh lòng, như thể đáng thương cho những thực khách ở đó; không biết có khi nào họ được ăn biết miếng thịt chuột béo mềm sống bằng ngô khoai thanh đạm, không biết có khi nào họ hiểu thịt chuột "đặc sản" bởi nó là miếng thịt được sinh ra tự nhiên từ ruộng đồng, dù đất cằn vất vả. 

Ảnh: Internet