Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

[Depplus.vn] - Ăn miếng gỏi nhớ hỏi "sầu đâu?"


Tôi ở lại An Giang khi cả miền Tây đang vào mùa lênh đênh nước nổi, ăn miếng gỏi sầu đâu nghe đắng chát ngọt ngào hòa chung một vị.

Dì Năm Hóa (sau này tôi thường quen chỉ gọi dì Năm) ở đơn thân, cũng duyên số trời cho tôi gặp được dì để ở nhờ suốt chuyến công tác 3 ngày. Bến sông Dinh nơi căn nhà của người đàn bà sang tuổi lục tuần, thấp thoáng những bóng sầu đâu lặng lẽ, trắng lốm đốm từng chùm hoa mong manh, lá cớm đông lưa thưa xoắn xít. 

Thời gian ngắn ngủi đánh tan giấc mơ của anh em đồng nghiệp gửi gắm vào tôi: "tiện công tác phải chu du khắp vùng ăn cho bằng no, thăm cho bằng chán", bởi cố gắng lắm đến tận chiều ngày cuối cùng tôi mới được ngơi tay dời công việc. Nhưng chuyến "chu du" lại thành ra tròn vẹn quanh mâm gỏi cá sặt sầu đâu chính tay dì Năm thết đãi.


Những ngọn sầu đâu non. Ảnh: Internet 

Dì chỉ tôi hái nhánh sầu đâu non sau nhà, trong lúc chờ dì bước thấp bước cao lên phà sang chợ mua mớ khô cá sặc. Bên bến kia sông, cả ngôi làng từng nát tươm dưới bom rơi đạn nổ, nát tươm cả mối tình chờ đợi dài đằng đẵng của dì, nay đã mọc lên hàng dãy nhà cửa quán sá nhộn nhịp. Từ bên này nhìn sang thấy sông Dinh rầm rộ xây bờ kè bê tông cốt thép lở đất, người ta cũng luôn tiện lập thành tích mừng thị trấn lên thị xã trong năm sau.

Khô cá sặc. Ảnh: Internet 

Món gỏi nghe tên tưởng dân dã giản đơn mà thấy dì cứ luôn tay, khi lựa tôm khô lúc bào dưa chuột, tay xé cá sặc tay chần lá tươi. Nguyên liệu chẳng khó kiếm gì, toàn những thức đang mùa sẵn có, tất cả trộn với mắm me. Mắm me cũng rõ kì công, dì dạy tôi từng chút, nào giã tỏi ớt rồi thêm nước đun lên, dầm me vắt me lấy nước chua vừa phải, lại nêm thêm chút đường và ít mắm đặc sản Chánh Hương, đun lăn tăn đến khi hơi sánh lại. Dì vừa làm miệng vừa kể chuyện, năm xưa hai bên bờ sông đầy rẫy sầu đâu mướt hoa trĩu trái, bến sông làm nơi hò hẹn trai gái luôn. Cây lá như thay lòng người, dù "sầu đâu" ít hay nhiều, gặp nhau dưới bóng cây, ăn cùng nhau cọng lá chát, nuốt vào rồi mới biết cuối cuống họng có vị ngọt thanh. Dì dặn tôi rằng, người làm gỏi ngon không bao giờ để những phụ gia tôm thịt hay gia vị muối đường át mất cái đắng cái ngọt thuần túy của đọt lá sầu đâu.


Nhìn đĩa gỏi bày ra, chẳng ai nghĩ nó lại là thức vị vốn dĩ ân cần với người dân miền Tây đến vậy. Cứ đầu đông đến cuối tháng Hai Âm, người quanh vùng ngồi "nhậu" chút xíu cùng nhau bên đĩa gỏi làm từ cây lá vườn nhà, nhấp ngụm rượu trắng rồi ngâm nga đôi ba câu vọng cổ. "Chẳng phải vì hoài thương hay cái chi hết, chỉ bởi nghe cái tên đã thấy xuyến xao quá xá rồi đó bây, ăn miếng gỏi nhớ hỏi "sầu đâu?", hiểu hôn?". Dì cười cười nhìn sang sông, rìa bên ấy, những hàng sầu đâu nơi dì và mối tình sâu nặng tuổi xuân xanh đã bị chiến tranh xóa dấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét