Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Sapa - tình và tình



Pim pim…pim!

Tôi mở mắt đã là Lào Cai, sau giấc ngủ hơn tám tiếng đồng hồ, Hà Nội nằm lại sau cánh cổng bến xe khách, cách tôi ba trăm cây số. Tôi “dốc hết cơn say” để bỏ lại toàn bộ những vật chất có tính phân hủy nhanh xuất xứ từ thủ đô còn nằm trên/trong cơ thể mình, và nhẹ nhõm tiến vào Sapa, cùng anh.

Quàng lại chiếc chăn len, anh kéo tay tôi: “Đấy, Sapa đấy, giữ đúng lời hứa rồi nhớ!”

Hôm nay là hai mươi tư tháng mười hai, và chúng tôi sẽ đón Giáng sinh tại đây.

Khách sạn ở thị trấn này chẳng mấy khi vắng vẻ: mùa núi non, mùa hoa lá, mùa gió mây; mùa hội, mùa phượt mùa cưới, mùa… Tâydicư, mùa..mùa..mùa.. quanh năm. Tôi đã phải book phòng nghỉ trước cả tháng trời để đảm bảo lúc này tôi có thể nằm cạnh anh trên một cái giường êm ái, gần cửa bước ra một balcon rộng nhìn xuống lòng hồ Trung tâm; sau cả chuyến xe mê mải đêm qua, chúng tôi đều đã rã rời.

Hơn cả như vậy, tôi suýt khóc thét vì sung sướng khi biết căn phòng ấy có…bồn tắm, quả tình cảm giác như chúng tôi là những kẻ trẻ tuổi rất mực sang chảnh và biết tô hồng tình yêu. Sẽ là hiếm hoi với bất cứ ai khi một lần được thấy tôi vừa tháo hai chiếc balo để sắp lại đồ đạc vừa hát, vừa lôi ra bộ váy hoa loè xoè ướm ướm vừa múa may. Hình như anh cũng biết điều đó. Chín giờ năm phút sáng, anh cõng tôi vào căn phòng nghi ngút hơi nước, thả xuống cái bồn tắm đã rắc tinh dầu. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi tắm chung một chiếc bồn, lần đầu tiên tôi tin tấm lưng rắn ngắc kia rộng hơn vai mình, lần đầu tiên tôi ngủ thiếp ngon lành bằng tư thế ngồi cuộn tròn dưới nước, hai chân anh ghì và hai tay bó lấy vai tôi, nghe tiếng anh hôn nhẹ sau gáy. Tỉnh dậy, tôi gội đầu cho anh, mớ tóc dài loã xoã bám vào gương mặt, vào ngực; anh kể những chuyện về chiều dài mái tóc của mình, những lần quyết tâm nuôi, những lần quyết định cạo, đôi ba lần thấp thoáng hình ảnh một cô gái. Tôi chỉ mỉm cười. “Em gầy quá đấy!” Anh rờ 2 chiếc xương quai xanh trên cổ tôi. “Anh thích em mập mập bụ bụ như hồi mới gặp, chưa yêu”.

Anh mặc váy cho tôi, cẩn trọng như thể tôi sẽ bị đau khi lồng vào người tôi một cái…bao tải?! hoặc như tôi kéo chiếc khoá áo khoác cho anh. Hình như, sương sáng nay tan hết, tôi nhìn thấy, hình như, những bông hoa vàng chạy bám quanh gấu váy nở ra.

Dọc con dốc xuôi xuống chợ, hàng lưu niệm xen với quán ăn, xen vài bar Tây nhạc jazz. Tôi chọn một tiệm có ghế ngồi ngoài hiên, phía sau lan can đầy giỏ hoa xanh đỏ. Chúng tôi gọi cafe. Tôi cho anh xem ảnh Sapa năm kia hồi tôi cùng bạn bè đi phượt, anh kể cho tôi về Sapa năm ngoái ngày anh cùng chị leo Fanxipang.

Bây giờ, Sapa, bây giờ, của chúng tôi, riêng tây!

Khi háo hức bàn về chuyến đi này, tôi đã nhủ với mình sẽ dành 2 ngày bên nhau ít ỏi để chăm sóc anh, để chữa lành vết thương bấy lâu; tôi sẽ không dỗi hờn không lắm điều không ghen tuông, chỉ lắng nghe người đàn ông ấy trút những suy nghĩ phiền muộn. Ở đâu đó một hôm nào đấy, tôi đã chia sẻ rằng mình thích từ “trọn vẹn” chính bởi chỗ đứng rất gợi tính tương hỗ và đầy hợp lý của cặp chữ này, tôi sẽ dành cho anh, tất cả, trọn, và vẹn.

Cafe nóng nghi ngút, một gã đàn ông tóc dài kiểu nghệ sĩ che xuống khuôn mặt nửa nghiêm túc nửa dịu dàng, gảy chiếc đàn môi bé tí bằng đồng. Thứ âm thanh rung lên không ra một giai điệu êm tai nào, mà nhấp nhô như cây rừng, mà bồng bềnh như mây luồn trong thung lũng, mà rất tình. Chiếc đàn môi ấy, tôi mua tặng anh – “thầy giáo dạy vẽ nhi đồng” cách đây 2 năm tại của quầy lưu niệm đối diện nơi tôi đang ngồi, một giờ hai mươi phút đêm, thứ bảy.

Ăn trưa tại trên quán nhà sàn cũ cũ, lẩu gà đen và chút rượu táo mèo. Tôi nhớ lần đầu tiên rủ anh uống rượu ở Trịnh Ca, không biết lúc đó anh nghĩ về tôi thế nào, có phải như những cô gái vẫn mời anh rượu trong bar những đêm anh đi diễn không? Cũng chẳng quan trọng, một thời gian lâu sau đó, chúng tôi thi thoảng vẫn cùng nhau uống San lùng ở Cuối Ngõ, rượu gì đó ở Tre, ở Trung Kính, ở Trịnh Ca…mà không hề khiến tôi cảm thấy thiếu an toàn dù chỉ một tí xíu, kể cả sau đó anh có dẫn tôi đi dạo bộ giữa đêm quanh khu đầm sen Tây Hồ, những ngày cuối tháng Hạ tối trời chỉ có mùi hương là sáng rực.

Quanh khu trung tâm người ta đã trang trí Noel rộn ràng cả. Những người nước ngoài ở lại hôm nay chắc có đôi phần nhớ nhà, nhưng cũng sẽ vui lắm đây, tôi thấy vài ba đôi bạn trẻ nói cười quanh nhà thờ, bên hồ, dưới những hàng cây đọng nước phố Mường Hoa. Hết năm rồi, ở Việt nam đã khoảng tháng 11 âm, cuối đông đầu xuân, một vài trưa nắng vui tính đã trêu ghẹo những đài hoa mận trót nở sớm. Có những năm, người ta đổ lên đây chờ xem hoa đào hoa mận he hé, chờ tuyết rơi đúng đêm Thánh, trao nhau nụ hôn và cùng bè bạn vui đùa, âu đó cũng là kỷ niệm đẹp và đáng nhớ.

Chúng tôi thuê một chiếc Honda, ngược dốc lên đỉnh Ô Quy Hồ, độ cao gần hai nghìn mét. Gió cuộn từng đợt mây bay qua lạnh buốt. Anh mua một nắm hạt dẻ nướng và nhâm nhi, nghe tôi dùng ngôn từ khấp khểnh của mình để miêu tả về sự hùng vĩ tuyệt đẹp của Ô Quy Hồ, sự “đáng sợ” của con suối dọc theo chân đèo với những tảng đá như “thiên thạch sa xuống”, về một lần đứng tim của tôi khi ngồi sau cú đảo tay lái bất ngờ bởi Thắng Bầu giật mình. Anh choàng vai ôm tôi lại, giật thót hơn cả lần mù sương đảo lái năm xưa.

Buổi chiều qua đi nhanh lắm, chúng tôi chạy xe dọc theo Cầu Mây, phố sầm uất suốt từ những năm một chín lẻ năm. Bỏ đi những chiếc khăn vấn đầu đỏ rực, những tiếng rung reng vòng bạc lắc đồng, bỏ cả cái lạnh ẩm ướt, Cầu Mây giống với bất kì con phố cổ nào người Pháp đã xây tại Việt Nam. Anh nói với tôi về mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc, say sưa, phấn chấn, sau khi khen hết lời những hoa văn thêu dệt trên cái sắc nhỏ của em bé Dao. “Hê lô, bai ơ s-mo su vơ nia, ját tu đô lờz”. Chúng tôi nhìn nhau cười xòa, “anh giống người nước ngoài lắm à?” đây không phải lần đầu, nhưng tôi vẫn thấy thú vị khi cô bé ngơ ngác nói tiếng Kinh: “trông như là người Nhật”.

(còn, còn, nhưng từ từ nhé…chúng tôi bị cảnh sát hỏi thăm rồi!)

phù… không phải xe chúng tôi, mà một anh da trắng phía sau đi sai làn đường. Có điều này, đừng cố giả vờ làm người ngoại quốc, vì cảnh sát trên này trang bị ngoại ngữ rất ổn, “anh không bịp họ được đâu, trừ phi anh nói tốt một thứ tiếng gì đó khác hẳn tiếng Anh, tiếng Em chẳng hạn!”. Anh làm điệu bộ cất tiếng eo éo bằng giọng mũi và một vài động tác chuẩn bị mếu máo của tôi. ha ha… *véo mũi*

Con gà từ bữa trưa bắt đầu quang quác kêu trong bụng, ờ, nói thẳng ra là tôi đói quá. Kiếm quán ven đường, tôi gọi vài xiên đồ nướng, hai lon bia; anh đồng ý cho tôi tha về phòng. Rong ruổi cả ngày, sức nóng từ cơ thể của tôi bắt đầu giảm xuống, hai tay cóng và môi tím tái, biết làm sao với tấm thân biến nhiệt này đây? Tôi tuột vội đôi giày lười và chui thẳng vào trong chăn run rẩy. Thế nào? Mọi người nghĩ sao về một căn phòng tắt điện, 2 ngọn nến thơm màu vàng; ngồi tựa thành giường và phủ chăn lên tận cổ, ngó ra cửa sổ thấy những đốm đèn nhấp nháy, nhạc giáng sinh; ăn thịt cuộn cải nướng, uống từng ngụm nhỏ bia? Ánh mắt người yêu lúc này có phải là lung linh nhất không? Sao anh lại nhìn tôi như vậy?



Đôi khi cũng có những người khẳng định với tôi tầm quan trọng của chuyện “làm tình” và sức bền của một cặp yêu nhau, khẳng định như thể tuyệt đối. Tôi không cho là thế, bởi chúng tôi đã bất động nhìn nhau và chìm vào một trạng thái nào đó hết sức khó định nghĩa, cũng chẳng cần thiết phải định nghĩa; cho đến khi anh kéo tôi nằm cạnh, hôn, vỗ vỗ lưng và ngủ vùi cả hai.

Chợp mắt chút xíu, tôi nằm ngắm người đàn ông đang thở đều bên cạnh, gạt những sợi tóc vướng trên mặt anh. Tôi chợt nghĩ, tình yêu âm ỉ như cái lò sưởi đỏ lửa, chứ đâu phải một cái lò chất đầy củi, hay một cái lò phải ngồi canh, phải kéo rút những thanh gỗ liên tục để duy trì. Nghĩ thế nào, tôi dụi dụi vào cái khuôn ngực vuông vức để tìm một mồi lửa be bé, rát bỏng. Anh tỉnh dậy và thủ thỉ về band nhạc, về dự định cho những chuyến đi xa của riêng anh (có thể có những người “bạn”), về cái nhìn với cuộc sống. Anh không nhắc về tôi. Nhưng một cánh tay anh cho tôi gối đầu, một tay vuốt ve tóc mái, thế mà đến lượt tôi ngủ khì mất.

Mười hai giờ đêm, chuông nhà thờ gần quá, chuông ngân từng hồi nhịp nhàng. “Anh! mặc thêm đồ vào, ra quảng trường với em!”, câu giục giã vòi vĩnh đầu tiên và duy nhất trong ngày. Anh chỉ khoác thêm một chiếc áo nỉ, trong khi tôi đã gọn lỏn giữa vài lớp bông dày, phồng lên như con gấu. Ngoài đường đông đúc hơn tôi nghĩ nhiều, họ nô nức và vui tươi: những “anh già” Noel độn bụng, những đoàn lữ khách hò hát dọc đường, những hàng ăn đêm nghi ngút khói, những đội phượt tíu tít chụp hình… Tôi nhờ ngẫu nhiên một cậu bạn trẻ trẻ trong đám phượt chụp giùm vài “pô” ảnh. Đã rất nhiều lần đi qua vườn hoa con cóc, qua Tràng Tiền, qua những địa điểm dăm bảy đôi trai gái thuê cùng một studio túm tụm thay đồ chụp ảnh cưới, chúng tôi luôn đồng tình với nhau “sẽ sưu tầm những tấm ảnh chung của anh và em ở khắp mọi nơi cho một album cưới (nếu có) và cho một album kỉ niệm của riêng mình”.

Chúng tôi nhảy múa, thăm các gian hàng, mua sắm một vài món đồ làm quà cho Hà Nội. Ngoài những thứ hàng souvenir nơi đâu cũng bán, Sapa có nhiều món đồ hay ho hơn. Tôi chọn cho mình một chiếc lắc bằng bạc dân tộc cuộn ba vòng. Anh lựa được con dao găm có phần chuôi trổ khắc “ngầu ngầu”. “Em đừng lo, chẳng vì lẽ gì cả, anh thấy nó đẹp thôi”, (nói thừa, vết sẹo sau lưng và những u cườm xuất hiện trên cánh tay anh luôn làm em lo lắng cả!). Đêm thánh như vậy, đôi chúng tôi tung tăng, đúng nghĩa. Tôi bớt đi những e ngại với Sapa, với anh.

Sau này, khi về in ảnh, tôi bất chợt thấy hôm đó chiếc váy của mình thật diệu kỳ, nó đẹp như thảm hoa đường Fanxiphang, như thung đêm Sapa ngời ngời hàng trăm nghìn đốm lửa, như đóm mắt anh nhìn tôi trong mọi bức hình, và tôi thấy mình cười rực rỡ.

Chúng tôi tỉnh giấc lúc tám giờ kém mười lăm, sáng ngày hai lăm. “Hôm qua anh đã cõng em về đây, giờ em cõng lại anh lên Sân Mây đi!”. À há, Sân Mây, đi! Dọc lối đi, tôi tủm tỉm cười nghĩ về lần tôi say rượu lử đử mà cố lết lên cho bằng bạn bằng bè, cũng mặc cái áo con hổ này, trùm mũ áo lên đầu và ôm một gốc thông nôn thốc tháo; thế nhưng có vẻ như cái sĩ diện trẻ trâu nó chẳng khiến tôi thẹn thùng gì mấy, ngược lại, còn hoan hỉ ngàn lần khi có tiếng bàn tán sau lưng “con trai hay con gái thế? con trai!”. Hóa ra đường lên cái chòi cao lồng lộng đó cũng chả xa xôi gì, thế mà lần đó tôi đi mất hơn ba tiếng, rõ là rượu đã hành tôi vụ ấy ra trò thật. Đứng từ đây, thấy toàn cảnh thị trấn nhộn nhịp, đôi ba dải mây luồn qua thân sa mộc bên sườn đồi rồi tụ lại thành đám. Sau hai năm, hoặc là bao nhiêu năm, trò đuổi nghịch này chẳng thay đổi, chỉ nhà mọc cao thêm, người người đến đông thêm, Sapa bớt cô liêu hơn Đà Lạt nhiều (nói vậy vì chính tôi cũng không hiểu sao mình hay nhầm lẫn hai địa danh này, kể cả chưa tới một lần). Tôi chỉ cho anh phía Hoàng Liên Sơn, nơi cắm miếng chóp inox 3143 anh đã trèo lên sờ vào năm ngoái. “ờ, cũng rõ ràng gớm nhỉ? hồi mình đi nghĩ rằng to tát lắm”. “Đương nhiên, đèo cao thì mặc đèo cao, trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo mà!”.

Mười giờ sáng. Gió nhiều hơn, lật chiếc khăn len màu xanh rêu bay phần phật, vò rối những sợi tóc mai vốn thưa thớt của tôi; thổi tan mây để phơi lộ vườn hoa Hàm Rồng dưới nắng, từng khoảnh vuông tròn sặc sỡ như họa tiết thổ cẩm; nắng bừng lên mặt hồ trung tâm, loang loáng đến mức tôi nghĩ những chiếc thuyền con vịt sẽ vỗ cánh bay lên chấp chới. Tôi mải mê nhìn, còn anh đang mải mê suy nghĩ điều gì đó, ôm tôi bất động từ phía sau. Một tiếng khèn nổi lên thật đúng lúc từ loa trên mái chòi Sân Mây, ra điều lãng mạn như trong phim, chúng tôi phì cười “thôi, đi xuống!”.

Trả phòng lúc mười hai giờ, thu xếp đồ đạc và cùng đi ăn trưa. Bao nhiêu niềm vui với ẩm thực quay trở lại khi người phục vụ bê ra đĩa lợn nướng thơm lừng cùng chút rượu ngô, tôi vẫn thu lu trong mấy lớp áo dày nhưng đã thò tay nhón một miếng. Cảnh này chắc ít khi xảy ra. Một dạng thỏa mãn với thức ăn phê pha cũng không kém no đầy cảm xúc vậy, tôi xoa xoa bụng và bắt đầu..hát. “Sapa..ơi Sapa..ơi Sapa.. đắm say bao tình, ai về cùng ee…em?”. Hình như có vài thực khách quay sang nhìn nhìn đôi bọn trẻ đương độ ngà ngà. Này anh nghệ sĩ, họ có cười mình không nhỉ? Ờ, chắc có. Nhưng mà có thì có sao không nhỉ? Chắc không. Uh, thế thì chắc là không rồi. Ơ nhưng anh có buồn cái sự ất ơ của em không? Không buồn, nhưng mệt lắm. Ờ, thế… Ra ngồi ghế đá chút không, nghỉ ngơi chờ xe chạy?

Câu chuyện sau đó chỉ là một giấc ngủ pho pho trên xe giường nằm về thẳng Hà Nội, chốc chốc, tôi đảo mình, lại có bàn tay xoa xoa, vỗ vỗ vào lưng. Xe khách cũng thật biết marketing, bật loa nhỏ nhỏ một điệu khèn dìu dặt, dìu dặt “vang tiếng khèn chàng trai xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế, tiếng đàn môi em nói điều gì, cho ta ngồi bên nhau đêm nay?…”.

***

E hèm!
Mọi người coi đây là review để PR cho Sapa, một nhật ký hành trình, một hình thức khoe người tình qua mạng, vân vân và vân vân… Nhưng kỳ thực thì, tôi mất cả buổi tối qua nằm tưởng tượng ra khung cảnh huy hoàng về kỷ niệm đẹp đẽ giữa chúng tôi mà nhiều khả năng không thể diễn ra được.
Bởi vì, chiều nay, khi háo hức bàn về chuyến đi này, tôi toan khoe anh bản kế hoạch tôi cất công lập lên, anh nói “để dịp khác nhé, có giận không?”

Nhắn nhủ: nếu một tháng nữa, các bạn giở lại bài viết 100% mơ mộng này của tôi, thấy up những tấm ảnh mới, nghĩa là hãy mừng cho tôi vì anh “giữ đúng lời hứa rồi nhớ!”, mừng cho chúng tôi có kỳ nghỉ đông êm đềm giữa Sapa đầy tình và tình nữa.