Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Vương miện ơi, nặng lắm!



Những ngày gần đây, đi đâu cũng thấy eo sèo chuyện tân hoa hậu. Người người bàn ra tán vào. Nhưng vì chiếc vương miện đã trao không dễ gì lung lay trong khi ai cũng chỉ là người ngoài nhìn vào mà hứng ngôn phát biểu, nên thôi ta thử đứng dịch sát vào trong, ngắm nghía cho thật cẩn thận để bàn về sức nặng của nó xem sao.

Từ sức nặng của một vật thể đặt trên đầu

Chuyện về chiếc vương miện trong các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam thì có cả một lịch sử hơi dài, qua những lần "thay da đổi thịt" đáng kể. Nổi bật nhất là 2 dấu mốc 1988 và 2008. Năm 1988, mùa đầu tiên của Hoa hậu Việt Nam báo Tiền phong, Ban tổ chức đã phải vất vả đi tìm mua lại một chiếc vương miện kỉ niệm của Việt kiều Pháp để trao cho Bùi Bích Phương vì không một nơi nào ở Hà Nội nhận chế tác. Lần đó, ông Dương Xuân Nam nâng vương miện đặt lên đầu của Phương, quá hồi hộp xúc động mà đã làm rơi (may thay khán giả không kịp thấy do nó khá nhẹ nên mắc lại trên áo của Hoa hậu).



Bùi Bích Phương (Hoa hậu Việt Nam năm 1988)

Trong vòng 20 năm đặc biệt là những năm đầu 2000, thực trạng loạn thi hoa hậu, khắp nơi tổ chức nên vương miện bày bán rất nhiều trên Hàng Bạc, đủ kiểu dáng. Đến năm 2008, bước ngoặt kỉ lục đánh dấu cho sức nặng không ngờ của vương miện, đó là khi công ty SJC nhận tài trợ chế tác vương miện 6 lượng vàng, chưa kể đá quý. Họ còn làm thêm một phiên bản phụ bằng bạc, cả hai được bảo vệ cẩn thận trong két sắt ngân hàng, được hộ tống đến sân khấu cuộc thi. Cái tên được xướng lên năm ấy là Thùy Dung. Lịch sử lặp lại, ông Nam tiếp tục làm rơi vương miện, nhưng lần này thì thực tình là do...nặng quá!



Thùy Dung (Hoa hậu Việt Nam năm 2008)

Đến sức nặng vô hình của trách nhiệm gánh trên vai


Theo quy luật cho một xã hội bình quyền và công bằng thì mỗi cô gái đều cần được tôn vinh, nhưng chúng ta vẫn háo hức muốn biết ai là người xuất sắc hơn cả. Đó không phải là thói quen bản năng của loài thú tìm kiếm danh hiệu đầu đàn, ở xã hội cấp tiến và định hướng văn minh, ngôi vị cao nhất không có ý nghĩa phân bậc thứ hạng, mà tồn tại như một biểu tượng có tính "tổng kết và hứa hẹn". Thế cho nên Hoa hậu Việt Nam, đó sẽ phải là cô gái mang nhan sắc của hồn Việt, kết tinh văn hóa truyền thống của Việt, và có tiềm năng trở thành đại sứ của sắc đẹp nước nhà trước "cường quốc năm châu" khác.



Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Hoa hậu Việt Nam năm 2014)

Khi đội lên đầu chiếc vương miện 6 lượng vàng cùng chiếc cúp danh giá trong tay, đó cũng là lúc vô hình trên đôi vai mỗi Hoa hậu xuất hiện một gánh nặng trách nhiệm. Họ phải đối mặt với một cuộc sống trách nhiệm hơn để bảo vệ những gì thuộc về mình trước vô vàn ánh mắt soi mói dư luận xung quanh. Họ phải trách nhiệm hơn với gia đình để không một hành động, lời nói, dáng đi nào khiến cho sự nổi tiếng trở nên tai tiếng. Họ phải thể hiện trách nhiệm với xã hội trong nước, rồi lại phải thực hiện trách nhiệm trước nền hòa bình thế giới.

Các cô gái tham gia thi tuyển nằm trong độ tuổi 18 - 22, rất trẻ và xuân sắc. Nhưng đây là tuổi đời chưa đủ để sẵn chứa tất cả các đòi hỏi cho một hình mẫu. Trước mỗi kì Hoa hậu, ai là người chỉ cho họ thế nào là hồn Việt, ai nói với họ văn hóa truyền thống có thể tìm thấy ở đâu, ai tin họ sẽ là một đại sứ hãnh tiến của đất nước? Tất cả chỉ có thể do tự mỗi cô gái trau dồi và cảm nhận bản thân phù hợp cho cuộc thi, sẵn sàng đón nhận mọi vinh quang hay khó khăn sẽ tới. Vì vậy khi họ đăng quang lại đồng thời nhận lấy gần 90 triệu sự kì vọng, vô vàn áp lực dồn dập đến, đáng ra nên được chúc mừng và cổ động chứ?

Và với Duyên

Nhắc về Nguyễn Cao Kỳ Duyên, điều mà "người ngoài" dễ thấy, dễ bị thu hút (hoặc bị làm cho chú ý) là một cô gái có cái tên đặc biệt, trong đêm chung kết gương mặt đã bị make-up hơi "dừ" so với năm sinh, Duyên mặc chiếc váy dạ hội khiến tất cả đặt dấu hỏi chấm. Cộng thêm những đánh giá thiếu thiện cảm khác của cá nhân về khâu tổ chức và thực hiện chương trình, mà thành ra có ác cảm với kết quả của em. Ít người hoặc chẳng ai trong số đông quan tâm em đã đạt được những thành tựu gì bằng sự nỗ lực nội tại. Với tôi, đơn giản như việc em tập luyện một cách khoa học để có thể giảm đến 10 kg và lấy về vóc dáng thon gọn, các chỉ số nhân trắc học đẹp mắt, nói thẳng ra so với những người tôi vẫn thấy mỗi ngày đã là một sự vượt trội đáng ghi nhận. Chưa kể đến kiến thức, kĩ năng và hoạt động xuất sắc em đã trải qua, đã lĩnh hội.



Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Hoa hậu Việt Nam năm 2014)

Như ý kiến của tôi nói ra lúc đầu, cách công bằng nhất để không có những dèm pha là hãy tôn vinh tất thảy phụ nữ bởi mỗi người một bản thể đẹp đẽ riêng, nhưng chính những người phụ nữ bằng khao khát hoàn mỹ bản thân mà đã tự hình thành một nhu cầu chuẩn mực cái đẹp, từ đó tạo nên Hoa hậu (đàn ông thì đương nhiên là ủng hộ rồi). Vì thế, trong thể thao lắm khi có hòa, 2 huy chương vàng trên cùng một bục, còn cuộc thi sắc đẹp chỉ có một vương miện và nhất định phải trao. Sự tăng lên về sức nặng vật lý của vương miện qua mỗi thời kì đã là một ẩn ý hết sức tinh tế về sức nặng của niềm vinh dự. Đặt lên đầu ai, chỉ họ cảm nhận rõ nhất. Nếu phải có điều gì khiến chúng ta nên làm vào thời điểm "hậu hoa hậu" này, thì đó là chờ đợi Nguyễn Cao Kỳ Duyên dùng năng lượng và trí tuệ của mình để khẳng định vị trí chính xác cho cái tên dễ nhầm lẫn, chứ không phải gây lên làn sóng "đao búa" về cô gái 18 tuổi vừa ghi danh Hoa hậu Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét