Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

[Depplus.vn] - Đáng ra, những chuyến tàu đã "nối những bờ vui"


Chẳng vô duyên mà người ta cứ đem hình ảnh đoàn tàu ra để nói về mấy thứ già cỗi, mấy chuyện kỉ niệm. Và ít nhất là với cá nhân tôi, không có cái gì cố chấp ở lại với sự nguyên vẹn đến mức...nguyên si như ấn tượng về những chuyến tàu... 

Chuyến tàu xa xôi nhất có lẽ là từ khi tôi còn nhỏ lắm, gia đình chuyển từ miền xuôi về Lào Cai lập nghiệp. Lúc đó tôi chắc chỉ 5 tuổi và mọi thứ đến từ con tàu đều mang một vẻ bí ẩn lẫn đáng sợ. Từ những mảnh ký ức rời rạc cũ rích, tôi thấy những con người lên và xuống khỏi một cái hộp lớn, họ mệt mỏi đến mức ngay cả trong mắt của một đứa trẻ con cũng có thể thấy được điều ấy toát lên trong từng ánh nhìn, giống hệt ánh nhìn của chính bố mẹ tôi mỗi khi cố gắng an ủi rằng đi tàu rất vui và chỉ cho tôi những toa tàu nghiêng ngả phía xa. Rồi mẹ để tôi đứng chờ bên cạnh một đường tay cũ, nơi đầy cỏ xanh mọc hai bên chen cùng với những viên đá mốc meo. Tôi loanh quanh với chúng đến khi đoàn tàu xuất hiện, đầu tàu lầm lì tiến vào ga trong âm thanh đều đều ầm ĩ nhất mà tôi được nghe. Hồi đó chúng tôi đã lên một toa hàng chợ để tiết kiệm, nơi đầy mùi hàng hóa lẫn với hơi mồ hôi người. Tôi được nằm ngủ trên nền tàu bằng kim loại, lót chăn mềm nhưng không đủ che đi cái âm thanh của gầm tàu kẽo kẹt ám ảnh đến tận bây giờ.



12 năm sau (khi tôi quay trở xuống Hà Nội học Đại học), rồi 17 năm sau, cái chặng tàu quen thuộc vẫn đón tôi với từng băng ghế cứng kèo xúm xít người nằm ngồi. Những chuyến tàu đêm rú rít ầm trời, còi gió thốc từ ngoài ruộng qua khe cửa thoáng mỗi đợt ồng ộc nhưng người say nôn. Đi qua từng khúc ray nối, tàu vẫn cứ nảy xóc lên thon thót, đầu ai gục xuống mảnh bàn con con nghỉ tạm lại được dịp đập trán đánh "bốp". Ấy là tôi chọn vé ghế cứng vì muốn tiết kiệm lấy vài chục, mua quà cho đứa em, chứ nghe bảo tàu cũng có toa giường nằm lâu rồi. Một lần tôi cũng thử. Có êm hơn thật, bữa đó tôi không mất ngủ vì rung lắc nữa, mà vì...mùi gối chăn, không đắp thì lạnh còn đắp thì...cực chẳng đã mất thêm vài đồng tiền, nên đó là lần cuối tôi đi toa nằm. Khổ nhất là vụ vệ sinh. Chẳng nỗi hãi hùng nào trên tàu kinh sợ bằng cơn đau bụng đòi "giải quyết khẩn". Gió thổi qua "lỗ thoát" lạnh tê tái, không giấy, không nước sạch... cho nên cứ bước chân lên tàu, các cô bán đồ ăn dọc chuyến thể nào cũng mời mọc đủ trò, nào xôi nào bánh nào nước ngọt rồi ngô khoai, dù đói dù thèm nhưng tôi không, không là không. Đấy là chưa kể đến những nỗi rùng mình vì bất ngờ nghe tin ai đó ở một nơi nào đã bị tàu "húc", khi lỡ vô tình hoặc cố ý chạy qua đường ray; chuyện thương tâm cứ diễn ra mãi mà barrière, còi, đèn đủ kiểu vẫn không làm thuyên giảm, nên tôi như bao người chỉ còn biết tự học cách tĩnh tâm hơn.



Thế mà cả tháng trước đó, cho kịp về thăm quê đêm 30, tôi đã phải gọi điện tới tấp, chạy ra chạy vào nhà ga để chen chân giữa bao người mua vé Tàu Tết. Ôi trời đất, những năm tháng sinh viên sôi nổi, tôi cứ nghĩ mãi về cái chuyện đi tàu ấy, cứ bị băn khoăn giằng xé cảm xúc giữa một bên là đoàn tàu rõ đẹp đẽ uốn lượn trong thơ ca, và một bên những chuyến tàu "bão táp" mà tôi thực đã đi qua.Tôi đã từng biết cảm giác thấp thỏm trông ngóng những ô cửa sáng đèn của đoàn tàu từ Hà Nội đi qua cánh đồng trước nhà, tôi cũng muốn yêu con tàu mùa xuân "tưng tửng" sức sống như của Phan Lạc Hoa, nhưng đã hàng bao năm, những chuyến tàu cũ kĩ chỉ có cũ mãi đi mà chẳng tươi mới nào thêm. Nên dù tôi ước những con tàu Tết về quê sẽ nhẹ nhõm, sẽ rộn ràng hí hửng như thể đang "nối những bờ vui" mà chưa khi nào được thấy. 



Mới hôm qua, tôi xem chùm ảnh anh bạn phóng viên chụp khi tiện tàu LC1 lên Yên Bái làm phóng sự, những bức ảnh về toa khách vắng hoe sau ngày đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội được thông xe. Nó giống đoạn gần kết hơi phũ phàng của một bộ phim chẳng có hậu tí nào: nhân vật chính mang đầy trên mình vết tích dập nát cùng nỗi buồn bã, ai cũng mong nó sống lại; mà ông đạo diễn chẳng chịu đầu tư tình tiết gì để vực lên, cứ bắt nó cống hiến cuộc đời tẻ nhạt mãi bên những con người đang dần dà đòi xa nó, và oái oăm, ổng lại bắt khán giả cứ phải vỗ tay ca ngợi nữa kìa. À không, nói vậy thì chưa đúng hẳn, ông này cũng có mời bà con ở lại xem tiếp, hứa hẹn những sự hấp hẫn hơn bằng loạt vé bán qua mạng có vẻ rất tiện lợi. Nhưng rạp tối quá, bà con nhấp nhổm hoặc là tặc lưỡi bỏ đi gần hết rồi. Tôi thì vẫn đang ngoan cố ngồi ở lại mong chờ một sự Đổi Mới, bởi vì hình như đó vốn cũng là tên của con tàu mà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét