Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

[Depplus.vn] - Con tôi biết đọc sách gì?


Thằng bé hàng xóm đi học về, giơ ra trước mặt bố mẹ cái thông báo viết bằng excel kê khai tường tận từng khoản tiền phải đóng, hai vợ chồng tự dưng quay ra vặc nhau. Chung quy cũng lại câu hỏi tiền gì lắm thế, sao có mỗi sách vở, đã ngót nghét cả triệu đồng ngon ơ.

Trung bình một kỳ, các ông bố bà mẹ chu cấp cho mỗi đứa con của mình nào sách giáo khoa, sách luyện tập, sách tham khảo, giáo trình điện tử,... Tuy lắm khi tôi đắn đo không biết các cháu có "tải" hết ngần ấy kiến thức không, nhưng thường thì trước mắt cứ là vui mừng đã. Bởi vì thế mới thấy thị trường kiến thức bây giờ muôn lối ngàn cửa mà nắm bắt lấy. Chẳng khó khăn như cách đây độ chục năm, tôi cạy cục đứa bạn, sáng nào cũng "cong đuôi" chở nó đi học mới mượn được một bộ đề Toán sưu tầm của thầy Trần Phương. Thời tôi đi học, có chữ trong đầu đã khó tiếp cận nguồn sách đến thế; bố mẹ tôi dân lao động tay chân, dù muốn mua sách cho con cũng chịu, chẳng biết cuốn nào ra với cuốn nào. Bây giờ mặt bằng dân trí chung đã cao hơn, mức chênh lệch kiến thức phổ thông của cha mẹ với con cái nhỏ đi, nhưng bù lại, các bố mẹ bận bịu tối ngày việc nhà việc cơ quan, xét ra cũng không còn thời gian đâu để cùng con chọn sách. Như cô hàng xóm bên kia, thấy thằng nhỏ đòi cuốn này cuốn khác, nghĩ con mê học hỏi ham tìm tòi, cũng chẳng nề hà gì móc túi mua về cho con.

Thế nhưng vì sôi động quá, nên chưa khi nào thị trường sách lại rối nhiễu, méo mó như lúc này. Nắm bắt nhu cầu độc giả là thế, mỗi năm có hàng trăm hàng ngàn đầu sách xuất ra, bìa xanh, bìa đỏ nổi bần bật, bày bán trong cửa hiệu, ngoài hội chợ, giảm giá hết cỡ. Mấy ngày gần đây, thiên hạ chẳng lạ gì những vụ lùm xùm về đám "ngụy thư" lan tràn phát khó hiểu. Một cuốn sách Hỏi đáp nhanh trí cho con trẻ cấp 1 với những mẩu đối đáp theo kiểu "sát thủ đầu mưng mủ", tức là thay vì đem lại kiến thức và tư duy sáng suốt, người ta sẽ chỉ thấy nó nhố nhăng, châm biếm (tôi e phải bằng bộ não 16+ mới tạm lớn để thông cảm mà nghĩ "thôi thì cũng có tính châm biếm"). Một cuốn từ điển được soạn và sử dụng trong thư viện suốt từ những năm 2001, ai nấy đều ngã ngửa với nội dung sai trầm trọng, thậm chí là nhố nhăng; ai nấy cũng kêu giời lên "cái ông Chất họ Vũ là ông nào thế?" thì chẳng một chuyên gia nào hay biết, họ chỉ phỏng đoán: một kẻ dởm đời dùng sách vì mục đích kinh doanh hèn kém. Một cuốn sách Tiếng Việt khác nhất quyết cam đoan giúp các bé học tốt môn...Toán, còn một sách Toán thì nhất định phải bắt cháu "cụt hai ngón tay" mới dạy cháu "10 - 2 = ?".

"Binh pháp Tôn Tử" là một cuốn sách đậm chất DẠY, xuất hiện cách chúng ta hơn 2500 năm, tồn tại bằng cách truyền miệng, bằng ghi nhớ, mãi sau này mới là in ấn, giảng giải. Tôi tự hỏi tại sao sau ngần ấy năm, không một ai biên tập chỉnh lý, không một khâu thẩm tra xuất bản nào, nhưng về giá trị nội dung thì cứ còn mãi, đúng mãi. Tại Việt Nam, để từ bản thảo ra cuốn sách lên kệ cần trung bình 2 năm xin giấy phép phát hành, kiểm duyệt và in ấn; tại sao lại trôi nổi những cẩu thả rùng mình đến thế? Tai họa nhất, sách làm giả, sách có nội dung kém chất lượng lại tập trung nhiều nhất ở độ tuổi độc giả là thiếu nhi. Các con chưa đủ "tinh tường" để nhìn ra những cuốn sách "sạch", những cuốn sách chắc chắn sẽ dạy các con điều hay lẽ phải và giúp các con nên người, giữa trăm ngàn cuốn trang trí màu mè với hình thù bắt mắt.


Sự to tiếng vì sự xót tiền từ bên hàng xóm chỉ là một trong vô vàn lời qua tiếng lại trong các gia đình Việt Nam. Nhưng các ông bố bà mẹ mỗi ngày vẫn chẳng tiếc gì, lai lưng gánh chở cuộc sống vì con cái. Bên cạnh nhà trường, họ tin tưởng vào sách vở cũng giống như người thầy, thay mình dạy dỗ con; tiền ra đi có sao miễn là kiến thức về. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ tưởng tượng được thôi sự hốt hoảng vào một ngày đẹp trời, khi bà mẹ vui vẻ hỏi: "Cây cau và cây dừa có điểm gì khác biệt?" , thằng con nhanh trí trả lời i như sách: "Rung thử thì biết". Hỡi ôi, từ cuốn sách dởm của hôm nay mà ra "thảm họa" cho ngày sau. Những người làm cha làm mẹ giờ đây lại phải cùng con đấu tranh cùng chính những "người thầy" đáng ra phải được tin tưởng nữa ư? Rồi thì, con cái chúng ta còn biết đọc sách gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét